Đừng quá chú ý vào các thông số kỹ thuật được cung cấp, thay vào đó hay tự tay kiểm chứng, đánh giá bằng cảm nhận của mình là cách mua TV tốt nhất.
Tiến sĩ Raymond Soneira, chủ tịch hãng DisplayMate, một công ty nổi tiếng chuyên cung cấp các giải pháp hiệu chỉnh chất lượng hình ảnh trên các sản phẩm điện tử dành cho người dùng, kỹ thuật viên và các nhà sản xuất đã có những chia sẻ kinh nghiệm trên Gizmodo, giúp người tiêu dùng có thể tự chọn lựa cho mình một mẫu HDTV có chất lượng hình ảnh tốt nhất.
Trong vô số những mẫu HDTV hiện nay, để chọn được một sản phẩm có chất lượng tốt nhất theo ý mình thật không đơn giản. Ảnh: HDTVsolution. |
Một số bước cơ bản
Trước khi mua một chiếc TV mới, nên nhớ rằng, thông số kỹ thuật mà các hãng đưa ra chủ yếu là đòn "tung hỏa mù". Đừng nên tin vào những số liệu đó làm thước đo chính để lựa chọn sản phẩm. Nếu bạn để ý, các nhà sản xuất luôn đưa ra thông tin về độ tương phản động (dynamic contrast) với con số lên tới hàng triệu thay vì công bố độ tương phản tĩnh của màn hình, với đơn vị chỉ khoảng vài nghìn và hầu như không thay lớn qua nhiều đời sản phẩm. Đặc biệt chú ý, mỗi một hãng sản xuất lại có một cách đưa thông tin kỹ thuật khác nhau, bởi vậy, cũng đừng cố gắng lấy thông số kỹ thuật của hai sản phẩm khác nhà sản xuất để so sánh.
Nếu là một người tiêu dùng bình thường, lời khuyên dành cho bạn trước khi mua sắm TV mới là hãy tham khảo các tờ báo chuyên về thiết bị nghe nhìn, các trang tin tức trực tuyến hay các diễn đàn về hình ảnh. Bởi hầu hết sản phẩm hiện có trên thị trường đều được họ đánh giá khá chi tiết, từ đó bạn có thể rút ra được những điều mình cần. Tuy nhiên, cũng nên để ý đến lời bình luận về sản phẩm của những người đã từng dùng qua, bởi một số sản phẩm được đánh giá không khách quan nhằm phục vụ cho nhu cầu quảng cáo.
Sau đó, bạn có thể ghé thăm trang chủ của nhà sản xuất, đọc tất cả các thông tin về model một cách cẩn thận. Nếu như có một quyến hướng dẫn sử dụng HDTV ở ngay trên mạng, đó chính là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy mà bạn có được. Nó sẽ giúp người mua tìm hiểu được khá nhiều thông tin về sản phẩm mà mình sắp lựa chọn.
Thay vì tin vào những lời quảng cáo, hay tham khảo và đánh giá những mẫu HDTV trực tiếp tại cửa hàng trưng bày. Ảnh: Pocket-lint. |
Đánh giá trực tiếp tại cửa hàng
Ở các cửa hàng bán lẻ, hầu hết các mẫu TV trưng bày đều được phát cùng một nội dung hình ảnh. Tuy nhiên, đừng sử dụng những hình ảnh đó để đánh giá chiếc TV mà mình lựa chọn, bởi đó là những hình ảnh tối ưu nhất, được người bán phát giúp cho chất lượng hình ảnh sản phẩm của họ đạt mức cao. Tuy nhiên, khách hàng có thể sử dụng những hình ảnh đó để đánh giá chất lượng của những model khác nhau, nếu như chúng được phát từ cùng một nguồn.
Thêm nữa, đừng sử dụng những đoạn phim hoạt hình để đánh giá về chất lượng hình ảnh của TV. Đó là những hình ảnh "giả" khiến cho người xem không thể đánh giá một cách chính xác chất lượng hình ảnh và độ chính xác của màu sắc.
Người bán hàng có thể tự thiết lập các thông số hình ảnh màn hình, hoặc để nguyên như khi mới xuất xưởng với những mẫu TV đang được trưng bày trên cửa hàng. Nhưng tốt nhất, nếu là một người tiêu dùng phổ thông, không chuyên nghiệp trong việc tự điều chỉnh các thông số kỹ thuật đó, lời khuyên là nên TV ở các chế độ hình ảnh thông thường theo mặc định của nhà sản xuất. Điều đó giúp bạn cảm nhận được chất lượng của hình ảnh một cách đúng đắn. Và yên tâm rằng, khi đã sở hữu sản phẩm rồi, chất lượng của nó chắc chắn sẽ còn tốt hơn nếu như bạn tự tay thiết lập các thông số.
Trong khi đánh giá chất lượng hình ảnh, người xem nên ngồi ở vị trí đối diện trực tiếp với màn hình TV. Ảnh: HDTVsolution. |
Những điều mà bạn có thể tự làm
Các đoạn video phát trực tiếp luôn có chất lượng không tốt bởi vì chúng diễn ra một cách liên tục. Hình ảnh tĩnh sẽ là thước đo chất lượng chính xác nhất. Với một hình ảnh tĩnh, bạn có thể so sánh được nhiều mẫu HDTV cùng một lúc, thay đổi góc nhìn để kiểm tra khả năng đáp ứng của màn hình. Điều này khá hữu ích trong khi lựa chọn một sản phẩm LCD.
Với việc hầu hết các model HDTV hiện nay đều tích hợp cổng USB 2.0 và có khả năng duyệt file trực tiếp từ những bộ nhớ USB đã giúp cho nhiều người mua cảm thấy tự tin hơn với lựa chọn của mình. Bạn có thể tham khảo trên mạng, lựa chọn sẵn một vài bức hình chuyên nghiệp, một vài đoạn video tham chiếu, ví dụ như cảnh hành động, cảnh bóng đêm hay khung cảnh thiên nhiên để mà tự kiểm tra chất lượng hình ảnh trên từng sản phẩm.
Kiểm tra kỹ càng HDTV, từ việc màn hình bị bóng, góc nhìn hẹp cho tới các điểm chết, vùng hở sáng... Ảnh: Plasmatvonline. |
Hãy đánh giá bằng cảm nhận bản thân
Hãy kiểm tra xem màn hình có bị bóng hay phản xạ ánh sáng quá nhiều hay không, điều này là cần thiết trừ khi bạn chỉ sử dụng TV trong bóng tối. Bạn nên biết, màn hình gương đôi khi còn làm cho hình ảnh bị gợn sóng bởi vì chúng không được gắn kết hoàn hảo lắm. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra độ phản xạ của màn hình là khi nó tối đen hoàn toàn, sau đó thay đổi góc nhìn để xem chất lượng hình ảnh có bị thay đổi nhiều hay không.
Ngoài ra, những khung hình tối cũng là thời điểm tốt nhất để người xem kiểm tra độ sáng của dải màu đen trên TV, nhưng với những nơi trưng bày quá sáng thì việc kiểm tra này sẽ khá vất vả. Người mua nên quan tâm và chú ý tới các điểm chết xuất hiện trên màn hình, các điểm ảnh thiếu đồng nhất và việc hở sáng ở các cạnh xung quanh trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
LCD là loại màn hình có chất lượng hình ảnh thay đổi nhiều ở những góc nhìn khác nhau, trong khi đó Plasma lại ít gặp sự thay đổi này hơn. Để quan sát và đánh giá được điều này, bạn cần một bức hình rực rỡ, có dải màu rộng và nhiều vật thể. Từ đó, ở từng góc nhìn khác nhau, người xem có thể đánh giá được sự thay đổi về độ sáng, độ tối đen, độ tương phản, sự tương phản hình ảnh và màu sắc mà màn hình thể hiện.