Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khẳng định: “Công việc xây dựng tuyến Metro số 3 năm nay đã tiến triển đúng theo lịch trình dự kiến, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, tiến độ chung dự án Metro số 3 đã đạt khoảng 65,91%. Trong đó tiến độ thi công và lắp đặt thiết bị cho đoạn trên cao đạt xấp xỉ 80,8%. Đặc biệt, vào ngày 18/10, đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu của Dự án đã khởi hành từ cảng Dunkirk (Pháp), về tới cảng Hải Phòng, rạng sáng ngày 20/10. Đoàn tàu được đưa về khu Depot Nhổn đảm bảo an toàn tuyệt đối, được lắp đặt lên ray để tiếp tục chạy thử trước khi đưa vào vận hành khai thác.
Các tàu đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã được đưa về Depot Nhổn, đặt lên ray và lắp đặt các chi tiết kỹ thuật.Ảnh: Ngọc Hải |
“Ban và các đơn vị liên quan cam kết sẽ cố gắng tận dụng nguồn lực của mình để đảm bảo các cột mốc tiếp theo của Dự án được hoàn thành đúng theo dự kiến. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội, các sở, ban ngành và nhà tài trợ tháo gỡ những vấn đề khó khăn còn tồn đọng như giải phóng mặt bằng tại ga và hỗ trợ thực hiện cơ chế chính sách” - ông Minh nói.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Đại sứ quán Pháp cho biết, tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận chuyển 8.600 hành khách mỗi giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách mỗi giờ. Tuyến đường này sẽ cho phép tiết kiệm 20.000 tấn tương đương CO2 khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm và góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Vị đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khẳng định: “Việc chạy thử tĩnh và động đầu tiên sẽ có thể bắt đầu vào đầu năm 2021 đối với phần đường sắt trên cao, trong khi đó các công việc tiếp tục được thực hiện đối với phần ngầm dưới đất, máy đào hầm do Công ty Herrenknecht của Đức sản xuất cũng sắp về tới Việt Nam”.Ông Nguyễn Cao Minh thông tin thêm, mục tiêu của đơn vị là đưa đoạn trên cao tuyến Metro số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành khai thác trong nửa cuối năm 2021. Ông Minh cho rằng tới năm 2030, ĐSĐT Hà Nội sẽ chiếm 30% trong tổng khối lượng đi lại của người dân đối với đô thị hạt nhân, theo sau đó là xe buýt với 25%; với đô thị vệ tinh, con số tương ứng là 15% và 25%. Với quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hệ thống ĐSĐT (gồm 9 tuyến) được kỳ vọng là xương sống của GTVT TP, gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác. Khi hoàn thành, hệ thống metro sẽ tạo nên những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô. Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống giao thông công cộng, phương pháp hiệu quả chính là ĐSĐT phải được kết nối đồng bộ với các hệ thống khác.“Một hệ thống metro hoàn thiện sẽ gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... cũng như giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô, ĐSĐT còn giúp cải thiện môi trường sống xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống khi góp phần giảm bớt lượng xe cá nhân. Metro cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến” – ông Minh nhấn mạnh.
Theo dự kiến, tuyến Metro số 3 tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam TP tới quận Hoàng Mai, thêm 8km ngầm nữa. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục dự án hiện tại. |