Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung chuẩn bị ứng phó với mưa bão 2019

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Trước tình hình thiên tai phức tạp, diễn biến khó lường trong năm 2019, các tỉnh miền Trung đã lên kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ chủ động, kịp thời ứng phó các sự cố xảy ra.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, năm 2019, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có khoảng 10-12 cơn, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Khả năng có từ 1-3 cơn bão và áp thấp nhiệt độ ảnh hưởng đến Đà Nẵng từ tháng 9-12, cần đề phòng đến những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp.
Trong mùa khô năm 2019 nhiệt độ cao nhất tại Đà Nẵng đạt từ 38-39 độ C, xu thế nền nhiệt độ tại Đà Nẵng từ nay đến cuối năm 2019 phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa cạn trên các sông khả năng ở mức mạnh nhất trong lịch sử quan trắc từ năm 2011-2018.
 Giúp dân sơ tán phương tiện tàu thuyền trước bão tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2019 của TP. Đà Nẵng chiều 16/5, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, cần triển khai ngay việc rà soát công trình phòng chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, công trình đang thi công để chỉ đạo, xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực tổ chức xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2019; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố công trình phòng chống thiên tai, đê kè, thủy lợi…
Tổ chức diễn tập phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại các khu vực, địa bàn trọng điểm về thiên tai, trên sông, trên biển… để chủ động, sẵn sàng, kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. Rà soát, xây dựng thực hiện kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai; chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực và tình hình thiên tai.
Đối với công tác chống xâm nhập mặn, các đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện Đề án công cụ dự báo xâm nhập mặn theo thời gian thực hạ lưu sông Vu Gia và đề xuất các giải pháp ứng phó; xây dựng hệ thống trạm đo mặn trên địa bàn Thành phố.
Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2019, công tác PCTT&TKCN tiếp tục được triển khai thực hiện với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Công tác PCTT được thực hiện theo 3 giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện liên tục, thường xuyên công tác tuyên truyền về thiên tai, các biện pháp cho từng loại hình, từng vùng. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác…
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết theo nhận định năm 2019 tình hình khí hậu, thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó đáng chú ý là có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, cường độ mạnh, nhiệt độ cao. Do vậy, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính.
Đặc biệt, ngay từ bây giờ, cùng với củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng các kịch bản chống hạn, đảm bảo phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, bố trí vốn hỗ trợ khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do mưa lũ gây ra trong năm 2018 và hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Theo UBND tỉnh Bình Định, năm 2018, thời tiết và thiên tai diễn biến khá phức tạp đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Tình hình khô hạn kéo dài làm ảnh hưởng trên 7.400 ha lúa, gần 10.000 hộ với 42.000 người dân thiếu nước sinh hoạt. Tình hình mưa bão và không khí lạnh đã gây ra 71 vụ sự cố tàu thuyền. Trong năm, toàn tỉnh để xảy ra 14 vụ cháy rừng trồng với diện tích thiệt hại 32,05 ha, xảy ra 20 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá 4,19 ha…
Rút kinh nghiệm không để gây tổn thất nặng nề về người và của, để làm tốt công tác PCTT&TKCN năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Trên biển, phải chủ động kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn khi có bão; kiện toàn các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại các địa phương, xây dựng phương án ứng phó thiên tai phù hợp với thực tế trình UBND tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh công tác tu bổ, sửa chữa đê kè và hoàn hành trước ngày 31/8. Thường xuyên thông tin dự báo thời tiết cho ngư dân để theo dõi chủ động phòng ngừa, không cho ra khơi đối với các tàu cá hoạt động không có giấy tờ; yêu cầu các chủ tàu giữ liên lạc thường xuyên khi hoạt động trên biển; xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền không tuân thủ quy định về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, chỉ thị về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng góp phần giảm thiểu số vụ cháy rừng, phá rừng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng kiểm lâm phải có quy chế phối hợp tăng cường tuần tra bảo vệ rừng; xử lý nghiêm chủ rừng vi phạm về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; tăng cường thêm lực lượng và trách nhiệm cho Ban Quản lý rừng và các địa phương nơi có rừng.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, truy quét, xử lý, ngăn chặn những hành vi khai thác rừng trái phép. Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, khi phát hiện, phải kịp thời xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.