Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch thông tin thúc đẩy tái cấu trúc DNNN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những Bộ đầu tiên thực hiện việc tái cơ cấu, Bộ NNPTNT hiện đang thực hiện quyết liệt quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trao đổi về vấn đề thực hiện tái cấu trúc các DNNN thuộc Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, các doanh nghiệp thuộc Bộ về cơ bản đã hoàn tất các phương án thoái vốn. Cùng với đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp đang diễn ra theo hướng công khai minh bạch. Đây là hướng đi duy nhất để có thể bán những doanh nghiệp ngoài ngành cho đúng đối tượng đầu tư và giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị DNNN trong quá trình tái cấu trúc.

Xin ông cho biết đến thời điểm này, quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Bộ NNPTNT đã được tiến hành tới đâu?

Ông Hà Công Tuấn: Chúng tôi đã và đang tập trung vào việc tái cơ cấu toàn bộ các doanh nghiệp do Bộ NNPTNT làm chủ đại diện vốn. Trong năm nay, chúng tôi đang triển khai cổ phần hóa 5 tổng công ty 90 và khoảng 30 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp (không tính doanh nghiệp thành viên).

Đến thời điểm này, Bộ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của hầu hết các doanh nghiệp; hoàn thành thẩm định, trình Chính phủ ban hành các Nghị định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam; ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động mới của 7 tổng công ty.

Bên cạnh đó, hướng dẫn Tập đoàn cao su, các tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ thực hiện sắp xếp tổ chức lại sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp với Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp được duyệt. Thực hiện quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ.

Tính đến hết tháng 5/2015, đã có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và 9 tổng công ty thoái vốn tại 38 doanh nghiệp. Đồng thời tiến hành cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với 7/14 tổng công ty, công ty thuộc Bộ.

Về ngành nghề kinh doanh, chúng tôi đã hoàn tất việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định, thay đổi, phân loại về ngành nghề kinh doanh chính; ngành nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh khác…

Vậy còn việc thoái vốn đến thời điểm này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Về kết quả thực hiện thoái vốn giai đoạn 2011-2013, Bộ đã hoàn tất thẩm định phương án thoái vốn cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định phương án thoái vốn với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Tính đến hết năm 2013, đã có 1 tập  đoàn và 4 tổng công ty triển khai công tác thoái vốn tại 18 doanh nghiệp. Cụ thể, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp là 319,7 tỷ đồng, số vốn đã thoái là 228,4 tỷ đồng, số còn lại 91,3 tỷ đồng và số tiền đã trích dự phòng đạt 2,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ đã có hệ thống văn bản triển khai bằng 6 đề án trong 6 nội dung, lĩnh vực của từng ngành.

Thưa ông, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN các bộ, ngành đều gặp ít nhiều khó khăn. Với Bộ NNPTNT việc tái cơ cấu có vướng mắc gì không?

Ông Hà Công Tuấn: Do đặc thù của ngành là có các công ty nông, lâm nghiệp (157 công ty lâm nghiệp, 70 công ty nông nghiệp) gắn với đất, vườn cây, giao khoán cho bà con… nên việc thực hiện tái cơ cấu các đơn vị này gắn với việc phải đảm bảo ổn định đời sống cho bà con, gắn với ổn định đất đai, gắn với mục tiêu phát triển rừng.

Nếu chúng ta làm không khéo khi cổ phần hóa, rừng bị người ta chặt đi để trồng cây khác, sử dụng vào mục đích khác thì rất không tốt. Cho nên, có thể thấy đây là cái rất khó cho ngành nông nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu DNNN.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng có những cái khó chung giống các ngành khác như muốn tái cơ cấu, cổ phần hóa phải làm trong sạch tài chính. Muốn làm được việc này phải giải quyết được những việc đầu tư ngoài ngành.

Muốn giải quyết triệt để việc đầu tư ngoài ngành phải bán được các đơn vị thuộc diện đầu tư ngoài ngành. Theo tôi, việc tiến hành cổ phần kể cả bán lỗ, bán dưới mệnh giá cũng không giải quyết được hết, vấn đề là phải làm rõ ràng, minh bạch thì cổ đông mới mua và doanh nghiệp mới bán được.

Như vậy, quan điểm của Bộ NNPTNT là sẽ chủ trương bán những đơn vị thuộc diện đầu tư ngoài ngành, kể cả lỗ?

Ông Hà Công Tuấn: Không hẳn như vậy. Đối với doanh nghiệp mà Bộ là chủ sở hữu vốn thì chúng tôi phải hết sức cân nhắc. Chính phủ đã có Nghị quyết 15 cho phép trong trường hợp cần thiết các doanh nghiệp được phép bán dưới mệnh giá vốn. Tuy vậy mỗi trường hợp phải có đề án và được Bộ phê duyệt.

Ví dụ, hiện Bộ còn mấy chục công ty cao su, năm 2014-2015, chúng tôi đã báo cáo Thủ  tướng Chính phủ là chỉ tiến hành bán 5 doanh nghiệp vì trong lúc giá cao su xuống như thế này nếu bán sẽ rất lỗ. Do đó, chúng tôi phải lựa chọn thời điểm nào để vốn bị mất ít nhất.

Thậm chí, có trường hợp đặc biệt như Công ty cao su Móng Cái chỉ riêng tòa nhà hàng chục tầng đã được rất nhiều tiền nên chúng ta phải lựa chọn bán như thế nào cho phù hợp chứ không phải bán bằng mọi giá.

Với những khó khăn như vậy, liệu đến hết năm 2015 ngành NNPTNT có hoàn tất được việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty như mục tiêu mà Chính phủ yêu cầu, thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Đến năm 2015, về cơ bản chúng tôi chỉ còn có một vài doanh nghiệp chưa tái cơ cấu, cổ phần hóa, đó là Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Vinafood1, Vinafood2…  còn tất cả các doanh nghiệp khác sẽ kết thúc việc cổ phần hóa trong năm 2015. Và đương nhiên sẽ thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo tinh thần Nghị quyết 94 của Chính phủ và tiếp tục tái cơ cấu theo Nghị quyết 99, 71, Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ quản lý giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp này theo tinh thần của các nghị định.

Xin cảm ơn ông!