Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mitsubishi Motors và vệt dầu loang bê bối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bê bối gian lận các bài kiểm tra nhiên liệu của Mitsubishi Motors ngày càng mở rộng về độ phức tạp.

Thay vì tuyên bố gian lận từ thời điểm năm 2002 trước đó, ngày 26/4, đại diện tập đoàn thừa nhận những hành động sai trái này đã diễn ra trong suốt 25 năm qua.

Gian lận suốt 25 năm

Chủ tịch Mitsubishi Motor, ông Ryugo Nakao cho biết trong buổi họp báo mới nhất rằng, phương pháp “gian lận” các bài kiểm tra nhiên liệu đã được áp dụng từ năm 1991. Thông tin trên gia tăng đồn đoán rằng vụ gian lận bài kiểm tra khí thải có thể ảnh hưởng đến cả doanh số tiêu thụ xe của hãng ở nước ngoài. Tiết lộ đáng xấu hổ này cũng đặt ra câu hỏi lớn cho tương lai Mitsubishi. Tính đến hôm 26/4, cổ phiếu niêm yết ở Tokyo của hãng đã mất giá gần 50% và hàng tỷ USD bị xóa sổ khỏi giá trị thị trường kể từ khi Mitsubishi thừa nhận gian lận hôm 20/4.
Ông Tetsuro Aikawa - Giám đốc điều hành Mitsubishi Motors trong buổi họp báo  về bê bối gian lận nhiên liệu.
Ông Tetsuro Aikawa - Giám đốc điều hành Mitsubishi Motors trong buổi họp báo về bê bối gian lận nhiên liệu.
Là một trong 6 hãng xe lớn tại Nhật Bản, hành động lần này của Mitsubishi đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả thị trường xe của xứ sở hoa Anh đào. Gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu lần này đã kéo khoảng 625.000 chiếc xe của Mitsubishi vào cuộc. Trong số đó, tới 157.000 chiếc Mitsubishi eK Wagon và eK Space. Hơn nữa, có tới 468.000 chiếc Nissan Dayz và Dayz Roox, tất cả đều được sản xuất và cung cấp cho Nissan từ tháng 6/2013.

Bê bối về gian lận nhiên liệu tiêu thụ của Mitsubishi chỉ được đưa ra ánh sáng khi chính Nissan công bố về sự không đồng nhất trong những dữ liệu khí thải. Từ công bố của Nissan mà Mitsubishi đã có cuộc điều tra chi tiết xung quanh vấn đề này. HĐQT Mitsubishi Motors đã thành lập ủy ban bao gồm 3 cựu công tố viên nhằm điều tra vụ việc trong 3 tháng. Tới lúc đó, các khách hàng, nhà đầu tư của Mitsubishi Motors và đối tác Nissan Motor vẫn sẽ phải chờ đợi thông tin để đưa ra mức bồi thường chi tiết.

Làn sóng điều tra

Bộ Giao thông Nhật Bản đã yêu cầu Mitsubishi Motor gửi bản tường trình điều tra cho tới ngày 11/5. Gian lận khí thải là vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Nhật Bản bởi người mua được giảm thuế nếu phương tiện họ sử dụng có khả năng tiết kiệm nhiên liệu.

Bê bối này có khả năng kéo theo ảnh hưởng tới các công ty khác thuộc Tập  đoàn Mitsubishi. Tượng đài thương hiệu Nhật Bản cũng vì vậy mà thêm phần lung lay. Vụ việc của Mitsubishi thêm một vết chàm vào danh tiếng của Tokyo sau một loạt bê bối liên quan đến sổ sách kế toán của Tập đoàn Toshiba hay Olympus vỡ lở.

Hành động sai trái của nhà sản xuất xe Nhật Bản gợi nhớ lại bê bối khí thải của tượng đài Volkswagen năm 2015, đồng thời tạo làn sóng điều tra với một loạt hãng xe khác trên toàn cầu. Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt cho biết, vụ điều tra khí thải Volkswagen cũng đã khiến giới chức tìm thấy sai phạm của 16 hãng xe bao gồm Mercedes, Renault, Alfa Romeo, Chevrolet, Hyundai, Jaguar và Nissan... Chính quyền Pháp tuần trước đã tiến hành lục soát cơ sở của hãng sản xuất ô tô PSA liên quan tới những nghi án khí thải.