Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình nâng đỡ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hài lòng với các nhu cầu được đáp ứng khá cao;...

Kinhtedothi - Tỷ lệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hài lòng với các nhu cầu được đáp ứng khá cao; vấn đề kỳ thị, xa lánh đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không còn nặng nề như trước… là kết quả đánh giá thực tế từ Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

80% trẻ vui vẻ hơn

Để việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em toàn diện, từ năm 2010, Bộ LĐTB&XH đã triển khai Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 8 tỉnh, TP (Yên Bái, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu). Mô hình này sẽ làm cơ sở nhân rộng, giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ nhiều hơn.
Chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh.
Chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh.
Sự khả thi đã được khẳng định tại cuộc bàn tròn chia sẻ báo cáo đánh giá độc lập về kết quả Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 16/4. TS Đoàn Minh Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển DN và cộng đồng cho biết: Đánh giá độc lập về kết quả mô hình tại 3 tỉnh đã mang lại một số kết quả khả quan. Thiết kế mô hình về mục tiêu và các hoạt động hoàn toàn phù hợp với chiến lược và chính sách của Chính phủ cũng như ưu tiên của chính quyền địa phương về hỗ trợ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ em được đáp ứng nhu cầu dịch vụ trong các xã thực hiện mô hình này rất cao (Khánh Hòa là 100%, Thái Nguyên: 95%, Hải Phòng: 98%).

Kết quả cho thấy, các nhu cầu cũng được đáp ứng khá cao, cụ thể, 60,7% trẻ hài lòng được hỗ trợ sữa, 84% trẻ hài lòng về làm giấy khai sinh, 54% trẻ hài lòng về hỗ trợ học phí, 65% trẻ em hài lòng khi được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập… 80% các cháu cảm thấy vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn và thích đi học hơn so với 1 - 3 năm trước. Hơn 82% gia đình của các cháu được hỏi cho biết cảm thấy hài lòng về sự giúp đỡ của cộng đồng. Điều đáng mừng là các hoạt động của dự án đã nâng cao nhận thức của cộng đồng. Những người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tham gia các lớp tập huấn đạt tỷ lệ khá cao, người trực tiếp chăm sóc trẻ chủ yếu là bố, mẹ, ông, bà đã được cung cấp các kiến thức cơ bản. Cán bộ các ban, ngành đều biết và quan tâm đến Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Vẫn còn trở ngại

Nhận xét về Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, TS Đoàn Minh Lộc khẳng định: “Mô hình đã giúp có được những thông tin tốt, rõ ràng cho công tác quản lý và chăm sóc toàn diện trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; có tác động tích cực lên nhận thức về trách nhiệm cũng như hành động tư vấn hỗ trợ chính sách của cán bộ Nhà nước và nhận thức của cộng đồng đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình trẻ”. Ông Lê Đức Trí - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐTB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu - đơn vị thực hiện thí điểm giai đoạn 2011 - 2014 cũng cho biết: Từ 2 phường, xã của tỉnh triển khai thí điểm mô hình này, đến nay, Sở đã triển khai rộng rãi cho 82 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động như xây dựng mạng lưới tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em khuyết tật; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ cho trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em khác đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch HIV/AIDS. Những nhóm quyền cơ bản của trẻ em đã bị dịch tác động làm hạn chế, làm xấu đi, thậm chí làm mất đi những quyền mà đáng lẽ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ khuyết tật phải được hưởng.

Một trở ngại chung khi thực hiện mô hình này là việc kết nối đang gặp khó khăn ở những dịch vụ đắt tiền, nhiều dịch vụ không được kết nối do vướng chính sách như việc công nhận hộ nghèo, các thủ tục hành chính về công nhận trẻ mồ côi. Do vậy, để mô hình này thu hút được nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, về lâu dài, các tỉnh, TP cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em và nhận luôn nhiệm vụ triển khai thí điểm mở rộng mô hình.