Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai:

Mô hình nuôi hươu, nai kết hợp du lịch thay đổi vùng quê nghèo Hiếu Liêm

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiếu Liêm là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc sản xuất nông nghiệp nên hết sức vất vả. Từ ngày mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung tiến tới kết hợp du lịch xuất hiện, diện mạo vùng quê nghèo đang dần đổi khác.

Chúng tôi về ấp 3, xã Hiếu Liêm vào dịp cuối mùa mưa Nam Bộ, ven con đường nhựa mới dẫn vào làng là những vườn mít, sầu riêng trĩu cành. Giữa tiết trời se lạnh làm cảnh vật nơi đây càng trở nên thơ mộng. Ấp 3 xã Hiếu Liêm chính là địa danh nổi tiếng gắn liền với làng nghề truyền thống nuôi hươu, nai lấy nhung mấy chục năm qua. Người dân địa phương vẫn quen gọi đây là “làng tỷ phú”.

Ông Nguyễn Tiến Chương một hộ nông dân của "làng tỷ phú"
Ông Nguyễn Tiến Chương một hộ nông dân của "làng tỷ phú"

Trên hành trình khám phá làng nuôi hươu, nai cùng chúng tôi, ông Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêu chia sẽ: “Gọi làng nuôi hươu, nai là làng tỷ phú có hơi quá, nhưng người dân ở đây giờ có cuộc sống khá giả, ổn  định hơn trước rất nhiều”.

Tìm hiểu lịch sử làng nghề chúng tôi được biết, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trên vùng đất này có Lâm trường Hiếu Liêm, do ông Nguyễn Danh An người gốc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh làm Giám đốc. Lâm trường thành lập trên cơ sở người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình... vào khai phá vùng kinh tế mới.

Ông Nguyễn Danh An nhận thấy đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng Hiếu Liêm khá giống với vùng Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), nơi nổi tiếng có loài hươu lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn đưa một cặp hươu giống vào đây nuôi thử nghiệm. Vị giám đốc cũng khuyến khích người dân di cư từ huyện Hương Sơn chủ động mang hươu vào đóng góp cho lâm trường. Từ chiến lược đó, làng hươu, nai Hiếu Liêm dần hình thành.

Năm 2012, tại đây thành lập nên Hợp tác xã (HTX) nuôi hươu, nai Hiếu Liêm do chính ông An đứng đầu. Thời điểm đó, hợp tác xã có hơn 200 thành viên tham gia với hơn 2.000 con hươu, nai các loại. Kể từ ngày có HTX nuôi hươu, nai, cuộc sống của gia đình hội viên thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động do có nhiều vấn đề phát sinh khiến HTX cũ bị giải thể.

Thức ăn cho hươu, nai là những sản phẩm nông nghiệp sẵn có
Thức ăn cho hươu, nai là những sản phẩm nông nghiệp sẵn có

Đến năm 2022, trên cơ sở HTX cũ, các hộ nuôi hươu, nai đã chính thức thành lập lại hợp tác xã mới và bầu ông Nguyễn Văn Truyện làm Giám đốc. Hiện tại, HTX hươu, nai Hiếu Liêm có trên 150 hộ với tổng đàn hươu, nai gần 2.000 con. Ngoài ra, tại đây còn rất nhiều hộ nuôi hươu, nai có thu nhập cao khác không đăng ký tham gia HTX.

Ông Thái Bình Dương cho biết, mỗi năm tổng lượng thu nhung hươu, nai ước chừng hơn 500kg, chưa kể lương thịt tiêu thụ. Hiện nay, theo giá thị trường 1kg nhung hươu có giá hơn 18 triệu đồng, đối với nhung nai mức giá giao động từ 6,5-7 triệu đồng một kg. Xã Hiếu Liêm có 1.250 nhân khẩu, số hộ nuôi hươu, nai chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng tổng mức thụ nhập ước đạt gần 30%. Đối với hộ gia đình nuôi trên 10 con hươu, nai điều kiện kinh tế khá giả hơn rất nhiều so với phần còn lại. Đặc biệt, có những hộ nuôi đàn hươu, nai 50-60 con cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Các hộ “tỷ phủ” nhờ nuôi hươu, nai ở Hiếu Liêm có thể kể đến như hộ: Nguyễn Văn Truyện, Phạm Xuân Ngọc, Nguyễn Đình Bình, Hoàng Sinh Hào, Nguyễn Tiến Chương...

Chính quyền xã Hiếu Liêm nhận thức rõ giá trị kinh tế do việc nuôi hươu, nai mang lại nên đã có rất nhiều giải pháp đồng hành cùng HTX và hộ dân nuôi hươu, nai. UBND xã Hiếu Liêm đang phối hợp cùng HTX tiến tới xay nhung hươu tươi đóng gói, hút chân không. Mỗi gói như thế có trọng lượng 100 gram, để người mua dễ tiếp cận sản phẩm. Sản phẩm nhung hươu, nai Hiếu Liêm cùng đang nộp hồ sơ đăng ký chất lượng OCOP.

Điều đặc biệt nữa, hiện tại mô hình nuôi hươu, nai kết hợp du lịch sinh thái đang được địa phương và HTX đẩy mạnh. Thời gian qua có nhiều đoàn khách tìm về Hiếu Liêm để được thỏa mãn thú điền viên, dân dã này.

Theo ông Dương, cái khó khăn nhất để phát triển làng nuôi hươu, nai Hiếu Liêm chính là việc quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ bởi nhung hươu, nai có giá khá cao so với mức thu nhập của nhiều người nên hơi kén chọn khách hàng.

Trên hành trình khám phá làng hươu, nai Hiếu Liêm, chúng tôi ghé cơ sở nuôi hơn 40 cá thể hươu và nai của ông Nguyễn Tiến Chương, một hộ nông dân của “làng tỷ phú”. Kể về hành trình lập nghiệp nơi xứ lạ, ông Chương cho biết: “Năm 1997, tôi nhờ ông anh vợ mua một con hươu đực gửi từ Hương Sơn, Hà Tĩnh vào, cuối năm đó tôi bán được cặp nhung đầu tiên. Từ tiền bán nhung, tôi mua thêm một con hươu cái nữa để về nhân giống. Trong giai đoạn này, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, sản xuất nông nghiệp kiếm thêm vốn phát triển đàn hươu. Đến nay, tôi đang có đàn hươu, nai hơn 40 con. Lúc cao điểm, đàn lên 60 con. Thu nhập bình quân từ việc bán nhung hươu của gia đình tôi nhiều năm qua hơn 300 triệu đồng, chưa kể sản phẩm nông nghiệp khác. Hiện tại, tôi rất mong sản phẩm nhung hươu Hiếu Liêm được nhiều người biết đến”.

Câu chuyện khởi nghiệp của ông Chương cũng là câu chuyện chung mà hơn 150 gia đình ở làng hươu, nai Hiếu Liêm trải qua. Từ thời di dân, khai phá kinh tế mới kham khổ ấy đến nay làng hươu, nai Hiếu Liêm đã mọc lên nhưng căn nhà mái ngói bề thế, vững chãi. Con, em của nhiều hộ nông dân nuôi hươu, nai được cha mẹ đầu tư cho ăn học đủ đầy. Sự khởi sắc của làng hươu, nai Hiếu Liêm hòa chung trong sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn toàn xã. Chúng tôi thật vui mừng khi được biết, xã Hiếu Liêm đã về đích nông thôn mới từ năm 2015. Đến năm 2019 địa phương đạt xã nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao.

Chúng tôi rời làng nuôi hươu, nai Hiếu Liêm trong tiếng cười giòn tan, hồn hậu của người nông dân sở tại. Chúng tôi tin Hiếu Liêm hôm nay đã khác và sẽ còn giàu, đẹp hơn khi chính quyền địa phương và người dân cùng hăng say lao động vì một mục tiêu chung.