70 năm giải phóng Thủ đô

Mở lại đường bay quốc tế: Phải thí điểm trước

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, mở lại đường bay quốc tế là cần thiết để “tiếp sức” cho ngành hàng không đang dần kiệt sức vì dịch bệnh. Tuy nhiên, trước khi triển khai chính thức cần thí điểm để đánh giá tình hình.

Bộ GTVT không có quyền quyết định
Hiệp hội DN hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở lại đường bay quốc tế và cho rằng đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm “giải cứu” ngành hàng không đang ngày càng “thoi thóp” vì dịch bệnh Covid-19.
Trong văn bản gửi đi, Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang đẩy các hãng hàng không vào tình trạng suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Nếu không sớm được “giải cứu”, các hãng hàng không sẽ đứng trên bờ vực phá sản.
Đây không phải lần đầu tiên có cơ quan, tổ chức đề xuất mở lại đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Bởi trước đó, vào giữa tháng 7/2020, Cục Hàng không Việt Nam từng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối". Cụ thể, các quốc gia sẽ cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình và thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...
 Thời gian qua, Vietnam Airlines thực hiện rất tốt các chuyến bay quốc tế với nhiệm vụ đưa các công dân về nước. Ảnh: Phạm Hùng
Khi nhập cảnh, người dân phải cách ly 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã phải tạm gác lại khi Covid-19 bất ngờ tái bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác trong cả nước vào cuối tháng 7/2020.
Trả lời báo chí về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế của Hiệp hội DN hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, cơ quan này đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo quy định để phòng ngừa. Ở chiều ngược lại, hiện một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, việc có mở lại đường bay quốc tế sẽ phải phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước. Trong khi đó, thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch sẽ do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 quyết định.
Không thể đóng cửa mãi nhưng đã mở là phải an toàn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế là điều cần thiết để “tiếp sức” cho ngành hàng không vốn đã bị “suy kiệt” rất nhiều.
“Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta vừa phải kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng Chính phủ nên xem xét đưa ra các biện pháp để từng bước khôi phục lại các đường bay quốc tế” – TS Lê Đăng Doanh nói và cho rằng, trước khi mở lại cần phải xây dựng phương án phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ để tránh dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng nên xây dựng những phương án với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh an toàn, chặt chẽ và có thể từng bước mở rộng khôi phục các đường bay quốc tế” – TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận. Đồng thời khẳng định, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong công tác phòng dịch thì cách tốt nhất là phải có sự thí điểm trước. Tức là, thời gian đầu chỉ nên mở thí điểm 1 - 2 đường bay quốc tế để xem xét, kiểm nghiệm và đúc kết kinh nghiệm. Đây cũng là lúc đánh giá năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước có đủ đáp ứng khi mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam hay không.
Bộ GTVT cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và nhiều bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng phương án tổ chức khai thác lại đường bay quốc tế để bảo đảm công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả tốt nhất.
Đánh giá về việc nhiều nước trên thế giới dù vẫn đang bị Covid-19 hoành hành nhưng vẫn cho khai thác đường bay quốc tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là điều dễ hiểu bởi kiểm soát dịch bệnh cũng cần phải đi kèm với từng bước khôi phục hoạt động kinh tế vốn là nguyên tắc sống còn đối với bất cứ quốc gia nào. Chỉ có điều, phương án cụ thể của từng nước sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế tại quốc gia đó nên không thể cứ thấy nước bạn làm là mình làm theo, càng không thể bê nguyên xi mô hình của họ để áp dụng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cũng khẳng định, xem xét mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất là bao giờ mở lại và mở như thế nào cho an toàn. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta vẫn thực hiện những chuyến bay quốc tế mà vẫn bảo đảm được công tác phòng dịch. Tuy đây không phải là những chuyến bay mở, khai thác thương mại. “Theo quan điểm của tôi, nên xem xét mở lại đường bay quốc tế nhưng phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch. Đóng cửa mãi cũng không được nhưng một khi mở lại thì phải an toàn” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.

"Một số nước trên thế giới đã mở những khu du lịch, khách sạn chất lượng cao làm địa điểm cách ly cho khách du lịch mới đặt chân đến nước họ nhưng thuộc diện phải cách ly y tế. Đây còn gọi là những khu cách ly có tính chất du lịch và phải trả phí. Chúng ta cũng có thể mở những khu nghỉ dưỡng, những khách sạn chất lượng cao để làm nơi cách ly cho khách du lịch như thế." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh