KTĐT - Liệu 22 cầu thủ (sẽ còn bớt 2) mà ông Calisto đem đi SEA Games bị cho là không tinh nhuệ như 3 kỳ SEA Games gần đây nhất chúng ta từng sở hữu, có làm nên được chuyện lớn?
So với SEA Games 2007, đội bóng với Công Vinh, Vũ Phong, Anh Đức… đã từng lọt vào tới rất gần chặng đường đi đá Olympic Bắc Kinh, từng hạ Oman, chơi kiên cường trước Nhật Bản, thì tập thể hiện tại đương nhiên không thể sánh bằng, cả về kỹ năng cũng như kinh nghiệm.
So với SEA Games 2005 gồm Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng, Tài Em, Phước Vĩnh, Văn Trương…, đội hình của SEA Games 2009 rõ ràng ở một khoảng cách rất xa.
Và khi đặt lên bàn cân với SEA Games 2003, làm phép so sánh với Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em, Thanh Bình, Đặng Thanh Phương, Huy Hoàng… đương nhiên là một công việc khập khiễng.
Thậm chí, trong 3 đội bóng quá khứ, có cả những sự vượt lên về tính tập thể, chứ không chỉ đơn thuần là những cá nhân đơn lẻ. Vì nó được trui rèn, được trải nghiệm qua các trận đấu khác nhau nhiều hơn so với hiện tại. Đội hình SEA Games 2003 được quyền thay thế ĐTQG chơi ở Vòng loại Asian Cup. Đội hình SEA Games 2007 đã thi đấu từ vòng sơ loại cho tới vòng loại chia bảng và vòng bảng cuối cùng (hơn chục trận) tại vòng loại Olympic 2008.
Khi cả 3 đội bóng quá khứ được đánh giá rất cao, lại đều thảm bại, hoặc khả dĩ nhất cũng chỉ thua Thái Lan trong trận chung kết, nỗi băn khoăn cho tiền đồ của U23 tại Lào tháng 12 sắp tới là một điều logic.
Song, bóng đá không chỉ là cuộc chơi của một đội bóng, của sự so sánh qua từng thế hệ của một quốc gia với nhau. Sự lầm lẫn này trong quá khứ đã từng khiến chúng ta thất bại và không tiêu hóa nổi sau đó. Nó còn là vấn đề tương quan đối thủ, lịch thi đấu, và tự bản thân đội bóng đó ở các khía cạnh như lối chơi, khả năng ứng biến của người chỉ đạo chiến thuật (HLV trưởng). Đây có phải là những căn cứ cho một nhận định, rằng U23 VN 2009 tuy xét bề nổi nhạt hơn nhưng lại tiềm tàng khả năng vô địch?
VFF Cup đã không cho chúng ta một nhận định xác đáng trong tương quan lực lượng với các đối thủ. Thái Lan và Singapore, 2 trong số 5 ứng viên vô địch (ngoài VN, còn có Indonesia và Malaysia), đã không mang tới Việt Nam đội hình mạnh nhất. Thái Lan thiếu 5 trụ cột và Singapore thiếu tới 9 gương mặt quen thuộc.
Công tác “trinh sát đối thủ” khá hạn chế cũng không cho chúng ta biết được sức mạnh thực sự của các đội bóng còn lại. Chỉ có thể căn cứ vào truyền thống, rằng Indonesia có thừa tài năng nhưng thiếu HLV tầm cỡ, rằng Malaysia vẫn khá ngây thơ và nhiều khi cũng thua những trận khó hiểu giống BĐVN. Nếu tính thêm cả Myanmar nữa thì đó là đội bóng thừa ý chí, thiếu tỉnh táo và không có phầm chất của đội bóng lớn.
Như vậy, mấu chốt của U23 VN tại SEA Games 2009 là sự chuẩn bị của chính thày trò ông Calisto. Cụ thể hơn, yếu tố tập thể, lối chơi, sự đồng đều của đội chính với dự bị và sự đột biến của vài cá nhân phải bù đắp được thực tế là chúng ta không có 11 ngôi sao cho 11 vị trí.
Cho tới thời điểm hiện tại, hơi khó để khẳng định tất cả những yếu tố nói trên đều đã là ưu điểm của U23 VN, khi chính bản thân ông Calisto vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện nó, từ việc chuẩn bị các phương án dự bị, những quân bài chiến lược (kiểu Quang Hải ở ĐTQG).
U23 VN lúc này cũng khá giống với ĐTQG trước thềm AFF Cup, dù cho các cầu thủ trẻ đã có 2 chiến thắng và có cả 1 chiếc cúp tại VFF Cup để tự trấn an và khích lệ bản thân. Nói cách khác, chúng ta giống như một ẩn số, vừa buộc các đối thủ phải dè chừng và tự bản thân các cầu thủ cũng không thể tự mãn hoặc chủ quan.
Còn giấc mơ huy chương Vàng có bao nhiêu phần trăm khả thi, nó chỉ được đếm qua từng trận đấu, chứ không phải là đương nhiên có mặt ở chung kết rồi mới tính.