Kinhtedothi - Ba năm trở lại đây, trong khi mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) chỉ bằng 1/3 giai đoạn trước, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 5%/năm.
Thực tế này, theo đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng là nhờ hiệu quả của nguồn vốn TD nói riêng và nguồn vốn cho phát triển kinh tế nói chung đã được cải thiện.
Mấy năm gần đây, TTTD tuy chỉ đạt 10 - 12% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn trên 5%. Kết quả này có phải là nhờ hiệu quả của dòng tín dụng với phát triển kinh tế không thưa bà?
- Nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế có thể dựa vào nhiều kênh như từ ngân sách, vốn nước ngoài, vốn tự có của các doanh nghiệp (DN)... Ở các nước có thị trường vốn phát triển, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn, còn tại Việt Nam, DN thường dựa vào nguồn vốn ngân hàng nên hệ thống ngân hàng phải chịu rất nhiều áp lực.
Những năm trước, kinh tế tăng trưởng cao (khoảng 6 - 7%/năm) nhưng đó là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên tổng đầu tư xã hội ở mức khoảng 40% GDP (TTTD trên 30%/năm) khiến lạm phát cao, nợ xấu tích tụ… Tuy nhiên, với phương châm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, 3 năm qua, NHNN đã điều hành TD theo hướng mở rộng phải đi đôi với an toàn TD. Hàng năm, NHNN thông báo chỉ tiêu tăng trưởng TD tới từng tổ chức TD, chỉ đạo các tổ chức này kiểm soát tốt chất lượng TD... Từ năm 2012 đến nay, TTTD bình quân khoảng 11%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng trên 30%/năm của nhiều năm trước đó. Mặc dù TD tăng thấp nhưng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ 2012 - 2014 vẫn đạt mức từ 5,25 - 5,8%/năm. Điều đó cho thấy, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng nói riêng cũng như nguồn vốn cho phát triển kinh tế nói chung đã được nâng cao.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Tuy nhiên, nguồn vốn lại tập trung nhiều vào trái phiếu. Nguyên nhân tại sao, thưa Phó Thống đốc?
- Trước hết, cần phải tách bạch giữa nguồn vốn TD của hệ thống các tổ chức TD đối với nền kinh tế và việc hệ thống các tổ chức TD mua trái phiếu Chính phủ (để Chính phủ sử dụng cho các mục đích đầu tư công, đầu tư vào các dự án trọng điểm của quốc gia).
Trong điều kiện khả năng mở rộng TD còn hạn chế do tổng cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, hệ thống ngân hàng đã tăng cường mua trái phiếu Chính phủ. Việc mua trái phiếu Chính phủ một mặt giúp cho các ngân hàng cơ cấu nguồn và sử dụng vốn hợp lý, tăng dự trữ đệm để khi thiếu thanh khoản có thể vay NHNN qua các kênh như nghiệp vụ thị trường mở, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, vay cầm cố giấy tờ có giá. Mặt khác, giúp ngân sách huy động được nguồn vốn. Các tổ chức TD đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là gián tiếp đầu tư vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn cho ngân sách để tăng đầu tư công, góp phần tăng tổng cầu và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.
Thời gian tới, NHNN có giải pháp nào để TD đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 12 - 14%, thưa bà?
- Thời gian tới, để hỗ trợ TTTD, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý qua các kênh, đảm bảo hệ thống các tổ chức TD luôn sẵn sàng nguồn vốn; Chỉ đạo các tổ chức TD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo đủ nguồn vốn TD để cho vay thu mua, tạm trữ lúa gạo hỗ trợ cho nông dân; triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất... Thứ hai, thực hiện nhân rộng mô hình chương trình kết nối ngân hàng - DN đã và đang triển khai có hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước. Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Thứ tư, triển khai sản phẩm TD cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng gồm ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp nhằm tạo sự gắn kết, giúp hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần lưu thông hàng hóa, giải quyết lượng hàng tồn kho.
Xin cảm ơn bà!