Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở trường sai, Bộ GD-ĐT xác định, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nếu làm sai Bộ trưởng chịu trách nhiệm và phải xử lí Bộ trưởng.

KTĐT - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nếu làm sai Bộ trưởng chịu trách nhiệm và phải xử lí Bộ trưởng. “Bộ trưởng các Bộ giúp Thủ tướng quản lí ngành thì phải chịu trách nhiệm đến cùng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Bàn về Luật Giáo dục sửa đổi, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc mở trường đại học đúng hay sai, trách nhiệm nên thuộc về Bộ trưởng GD-ĐT, không đẩy lên Thủ tướng.

Qui định Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định thành lập trường, trừ các trường đặc biệt của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã trở thành vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội sáng 24/10.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm đến cùng

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cho rằng, chỉ tính riêng ba năm gần đây có 48 trường đại học được thành lập, chia trung bình mỗi năm có 16 trường đại học ra đời. “Chúng ta căn cứ vào đâu để thành lập nhiều trường như thế?”, bà Nga lo ngại.

Bà Nga đề nghị, phải coi một dự án đầu tư thành lập đại học là dự án lớn, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và nếu giáo dục kém sẽ dẫn tới tụt hậu về kinh tế.

Thêm nữa, việc thẩm định điều kiện vật chất, kinh phí thành lập trường liên quan đến các bộ, ngành khác nên theo bà Nga, quyết định thành lập trường phải thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ GD-ĐT chỉ tập trung quản lí hoạt động để nâng cao chất lượng.

Từ việc cấp phép sân golf, khi thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì cấp ít, nhưng từ ngày giao cho tỉnh, cấp tràn lan, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) lo ngại về tình trạng tương tự khi phân cấp thành lập trường.

Đáng nói hơn, vừa qua các trường được thành lập ồ ạt, có những học sinh đỗ nhiều trường đại học dân lập với… 7 điểm. “Bây giờ giao Bộ trưởng có sớm quá không hay để đến khi chuẩn bị đầy đủ hơn”, bà Nga băn khoăn.

Khác với 2 đại biểu tên Nga, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, ai quyết định thành lập không quan trọng, vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định.

Ông Tùng cho biết, sau khi xảy ra vụ việc ở ĐH Phan Thiết, ông đã hỏi một Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhưng Thứ trưởng này nói, trách nhiệm thẩm định thành lập ĐH không phải chỉ mình Bộ GD-ĐT, các Bộ khác đều có trách nhiệm như nhau và Bộ GD-ĐT chỉ trình lên Thủ tướng.

“Nói như vậy là hòa cả làng, vì chẳng ai chịu trách nhiệm”, ông Tùng phân tích.

Từ thực tiễn trên, ông Tùng đồng tình với việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập trường ĐH, còn các Bộ khác không nên tham gia. “Bộ GD-ĐT tự làm tự chịu, nếu làm sai phải cách chức Bộ trưởng, bởi Thủ tướng có bao giờ xuống tận nơi để quyết định thành lập trường, Thủ tướng chỉ ký trên cơ sở tờ trình của Bộ GD-ĐT”, ông Tùng nhấn mạnh.

Trước những ý kiến trái chiều của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lí giải, Thủ tướng đã đảm nhận việc qui hoạch trường ĐH, CĐ cả nước, kí tiêu chuẩn lập trường, mở trường, đóng trường. Chính vì vậy, việc mở trường đúng hay sai, Bộ GD-ĐT xác định, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng, không đẩy lên Thủ tướng. 

Theo ông Nhân, nếu làm sai Bộ trưởng chịu trách nhiệm và phải xử lí Bộ trưởng. “Bộ trưởng các Bộ giúp Thủ tướng quản lí ngành thì phải chịu trách nhiệm đến cùng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Vẫn chưa sửa… “đúng gốc”

Đại biểu Trần Du Lịch nhìn nhận, Luật sửa đổi không cấp bách đến mức phải thông qua tại kì họp lần này, nhưng nếu có trót thông qua cũng không hại đến ai. Điều đáng nói theo đại biểu Lịch, luật sửa vẫn chưa “đúng gốc”, giống như cái nhà đang cần gia cố nhưng lại đi… trang trí nội thất.

Dẫn chứng ông Lịch nêu ra là tuyển sinh Đại học hiện nay với nguyện vọng 1, 2, 3 giống như những chuyến xe đò. Ai khoẻ leo lên trước, ai yếu ở lại đi xe sau, đằng nào thì cũng đi hết...”, ông Lịch phân tích.

Theo đại biểu này, kiểu “xe đò” như trên rất nguy hiểm cho chất lượng giáo dục, nhưng chưa được đặt ra giải quyết từ dự thảo luật.

Trong khi đó, đại biểu Lê Đăng Trừng lại cho rằng, búc xúc lớn nhất hiện nay của học sinh, của phụ huynh, của toàn xã hội là chương trình học bị quá tải. Theo ông Trừng, sinh học theo học chương trình này quá khổ, nhưng Luật sửa đổi không giải quyết được vấn đề.

Một số điều sửa đổi cụ thể của dự thảo luật cũng được đại biểu nhìn nhận “không có ý nghĩa”. Chẳng hạn, qui định về cán bộ quản lí, theo đại biểu Trịnh Thị Nga, chỉ mang tính “giải thích”, không làm rõ được vai trò, trách nhiệm quản lí cụ thể là gì.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc (Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TPHCM) cũng cho rằng, dự thảo luật chưa tạo ra hành lang pháp lí cho người quản lí. “Chúng tôi muốn có quyền tuyển chọn giáo viên cũng như cho nghỉ những giáo viên chưa phù hợp với yêu cầu”, bà Cúc đề nghị.