KTĐT - Những đợt thủy triều hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa tới đời sống của đàn cá lẫn những người sống ở hai bờ sông.
Ước mơ về một dòng "Mekong Xanh" dường như vẫn rất xa vời khi mà lãnh đạo các quốc gia nằm dọc theo con sông này thiếu đi những cam kết vững chắc.
Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nhật và các quan chức thuộc 5 nước tiếp giáp với bờ của sông Mekong dài 4.800km, những nước này đã cam kết giải quyết khẩn cấp vấn đề môi trường liên quan tới sự phát triển của vùng. Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, liệu cuộc họp có kết thúc chỉ hơn những lời nói một chút hay không, bất chấp sự chú ý và tài trợ của các quan chức Nhật.
Tokyo cam kết chi 2,21 tỷ USD cho sáng kiến "Một thập kỷ hướng tới Mekong Xanh", sẽ bắt đầu vào năm 2010 và nhằm đẩy mạnh hợp tác, đa dạng sinh học về quản lý nguồn nước. Trong cái gọi là Tuyên bố Tokyo được đưa ra sau hội nghị, 5 nước và Nhật đã cam kết "xây dựng một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên tinh thần yu-ai hay còn gọi là tình anh em - cách suy nghĩ tôn trọng tự do và phẩm giá của từng nước trong khi vẫn tôn trọng tự do và phẩm giá của những nước khác".
Đối với những cộng đồng mà sinh kế và sự tồn tại đã bị hủy hoại bởi việc xây đập, nạo vét và ô nhiễm thì những lời hứa được đưa ra ở hội nghị không có mấy ý nghĩa, đặc biệt khi có thêm 11 đập nước nữa đang được dự trù xây dựng ở dòng chính của con sông. Dòng sông vẫn tiếp tục suy biến là điều vô cùng quan trọng trước sự lo ngại của khoảng 70 triệu người sống dọc con sông kéo dài từ Cao nguyên Tây Tạng tới Biển Đông. Hơn 100 nhóm dân tộc đã phải thích ứng với thủy triều của sông trong nhiều thế kỷ.
Những đợt thủy triều hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa tới đời sống của đàn cá lẫn những người sống ở hai bờ sông. Và, mặc dù các dân làng, ngư dân, những người phàn nàn về tác động của việc nạo vét lòng sông, gần đây đã biểu tình bên ngoài tư dinh của Thủ tướng Campuchia Hun Sen để tiếng nói của họ được lắng nghe thì các lãnh đạo Campuchia và khu vực dường như vẫn làm thinh trước những lo ngại và kêu gọi của họ.
Trước khi hội nghị diễn ra, một liên minh các tổ chức phi chính phủ đóng tại Thái Lan và Campuchia tên là "Cứu lấy sông Mekong", đã chuyển cho các nhà lãnh đạo dự diễn đàn ASEAN một kiến nghị phản đối kế hoạch xây thêm đập trên sông. Khoảng 23.110 người đã ký vào kiến nghị phản đối việc xây hai con đập tại Campuchia, 2 ở Thái Lan và 7 ở Lào.
Tuy nhiên, không một nhà lãnh đạo trong vùng nào trả lời kiến nghị, họ cũng không phản hồi những bức thư riêng yêu cầu bàn bạc thêm mà liên minh "Cứu lấy sông Mekong" gửi tới. Trong một số trường hợp, đại diện của một số nước còn không có mặt tại cuộc họp của Diễn đàn Nhân dân ASEAN, khiến nó diễn ra không suôn sẻ. Một số đại diện của các tổ chức dân sự thì bỏ ra ngoài để phản đối.
Có điều chắc chắn là những cơ quan khác được thành lập để giám sát sự phát triển có kiểm soát của con sông có tác dụng rất khiêm tốn. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2007 về Ủy ban sông Mekong (MRC), do Viện Frittjhof Nansen đóng tại Na Uy tiến hành, cho thấy, các nước nằm ven sông Mekong muốn coi MRC là một tổ chức danh nghĩa chuyên nhận biết các dự án phát triển và thu hút nguồn vốn từ bên ngoài trong khi việc kiểm soát các dự án phát triển lại nằm trong tay các nước. Thỏa thuận năm 1995 (thành lập MRC) được mô tả là yếu kém, cho phép các thành viên suy diễn theo cách họ muốn hoặc đơn giản là loại bỏ nó. Viện Frittjhof Nansen là một tổ chức độc lập chuyên tham gia vào các cuộc nghiên cứu môi trường quốc tế và những vấn đề khác.
Bỏ qua việc hỏi ý kiến nước láng giềng nằm xuôi dòng sông Mekong lẫn không chú ý tới bất cứ đánh giá nào về tác động môi trường, Trung Quốc đã xây 8 đập, xếp theo tầng, 2 cái đã hoàn tất và 3 cái nữa đang được xây dựng.
Theo website Những dòng sông quốc tế, các con đập của Trung Quốc sẽ "làm thay đổi mạnh mẽ chu trình lụt-hạn tự nhiên của sông và ngăn trở sự di chuyển của trầm tích, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và đời sống của hàng triệu người sống ở phía dưới của con sông tại Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ảnh hưởng tới mức nước và nghề cá cũng đã được ghi nhận dọc theo biên giới Thái Lan - Lào, tổ chức phi chính phủ trên cho biết.
Liên minh "Cứu lấy sông Mekong" dự báo, những con đập mới sẽ phá vỡ mô hình di cư của đàn cá và đe dọa nơi kiếm mồi, sinh sản của cá heo sông Mekong. Doanh thu từ du lịch sụt giảm và những tổn thất đối với ngành thương mại ngư nghiệp trị giá 9,4 tỷ USD có thể tác động tới 70% đời sống của người dân sống bên sông. Nghiên cứu của Viện Frittjhof Nansen cũng cho thấy, nhiều đập nước đang là chủ đề thảo luận cũng thiếu những đánh giá về môi trường.
"Đề xuất xây những con đập trên dòng chính của sông Mekong là hình ảnh thu nhỏ của mô hình phát triển lỗi thời vốn vi phạm quyền lợi của những người bị ảnh hưởng và không đảm bảo được phát triển bền vững. Có nhiều cách tốt hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng mà không đánh mất những lợi ích mà dòng sông khỏe khoắn đem lại", Tiến sĩ Carl Middleton, điều phối viên chương trình Mekong của tổ chức phi chính phủ Các dòng sông quốc tế, một thành viên của liên minh "Cứu lấy sông Mekong" cho biết.
Ông Carl Middleton nói thêm, các kế hoạch xây đập là không phù hợp với Hiến chương ASEAN cũng như đi ngược lại những cam kết trong tuyên bố mới nhằm bảo vệ đa dạng sinh thái học của khu vực. Tổ chức Các dòng sông quốc tế cũng dẫn chứng sự nhất quán trong việc coi thường những điều luật quốc gia về bảo vệ cư dân tái định cư và vấn đề môi trường ở Lào, nước định xây nhiều đập nhất. Trước sự phát triển như vậy, không có gì ngạc nhiên khi cam kết mù mờ được đưa ra trong Tuyên bố Tokyo chỉ liên quan một chút tới các cư dân ở vùng châu thổ này.
Các chính phủ trong vùng vẫn cho rằng điện do các con đập sản sinh sẽ giúp khu vực từ lâu đã chịu cảnh nghèo nàn, phát triển. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng: tại Lào, điện sản sinh ra chỉ để bán sang nước ngoài, không đem lại lợi hoặc chỉ đem lại chút ít lợi cho những người phải di dời nhà vì đập.
"Các đập nước định xây ở dòng chính và các nhánh lớn hơn của sông Mekong sẽ tạo ra một tác động hủy diệt với nghề cá sâu trong lãnh thổ các quốc gia thuộc vùng lòng chảo sông Mekong", Tiến sĩ Ian Baird thuộc Trường Đại học Victoria, Canada, một nhà khoa học xuất chúng về châu thổ sông Mekong, cho biết.
"Không phải Campuchia và Lào cần tất cả những con đập lớn như vậy để sản xuất điện phục vụ cho chính họ. Một vài dự án nhỏ hơn tại các nhánh sông ít quan trọng hơn sẽ đủ cung cấp điện cho nhu cầu trong nước. Tôi cho rằng, một trong những câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là liệu Campuchia có được lợi từ các con đập này hay nước nào đó sẽ được lợi, và nước nào sẽ chịu những tác động tiêu cực".
Với suy nghĩ này, Tuyên bố Tokyo chỉ hơn thất bại một chút. Giấc mơ "Mekong Xanh" vẫn còn xa vời. Liệu có nên để việc xây đập diễn ra, các tổ chức phi chính phủ về môi trường như Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã cũng đã cảnh báo sông Mekong sẽ trở thành một con sông chết như sông Dương Tử.
Để ngăn chặn một thảm họa thiên nhiên khỏi diễn ra, cần phải có tập thể lãnh đạo nhất trí nhưng điều này có vẻ rất khó khăn vì các nước nằm dọc sông Mekong không có ý định ngăn chặn thảm họa, thậm chí ngay cả khi họ chịu tác động của Nhật.