Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mộc Hát Môn mong một chỗ làm nghề

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào nâng cao đời sống người dân.

Dù vậy, vấn đề môi trường phát sinh đang khiến địa phương không khỏi âu lo.

Doanh thu tiền tỷ mỗi năm

Dù không phải là mùa cao điểm, nhưng hoạt động sản xuất ở xã Hát Môn vẫn rất nhộn nhịp. Những chuyến xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu ngược xuôi trên con đường liên xã. Được sự giới thiệu của một cán bộ UBND xã Hát Môn, chúng tôi tìm được đến xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Ngọc Bình ở cụm 6. Những người thợ đeo khẩu trang, kính mắt kín mít, tiếp tục làm việc mà không để ý nhiều tới sự xuất hiện của người ngoài. Cũng dễ hiểu, bởi ngày nào khu xưởng của anh Bình cũng có hàng chục người tới đặt hàng. Anh Bình là một trong những hộ đầu tiên ở xã Hát Môn bén duyên với nghề mộc. Sản phẩm do gia đình anh sản xuất lúc đầu chủ yếu là cánh cửa, giường, tủ, con tiện cầu thang… Mãi cho tới năm 2005, nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Bình cùng nhiều hộ dân nơi đây bắt đầu tập trung sản xuất mặt hàng tủ bếp cung cấp cho hộ gia đình và các công trình nhà cao tầng. Anh Bình không giấu giếm, 5 năm qua, doanh thu của gia đình luôn đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, khu xưởng của gia đình anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động.
Công nhân làm việc tại khu xưởng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Bình ở cụm 6, xã Hát Môn.
Công nhân làm việc tại khu xưởng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Bình ở cụm 6, xã Hát Môn.
Điều đáng mừng, ở xã Hát Môn không chỉ có hộ anh Bình có thu nhập cao từ nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng. Theo thống kê của UBND xã Hát Môn, toàn xã hiện có khoảng 140 hộ tham gia làm nghề mộc, chế biến đồ gỗ, trong đó, khoảng 30 - 40% số hộ có doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Ông Nguyễn Hữu Khoát – Hội trưởng Hội làng nghề tủ bếp xã Hát Môn cho biết, trong số các sản phẩm mộc, tủ bếp mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Các hộ sản xuất tủ bếp ở xã Hát Môn hiện chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Theo đó, những người thợ tới từng nhà dân, căn hộ chung cư để tiến hành đo đạc, thiết kế và lắp đặt tủ bếp. Công việc xuyên suốt năm, nhưng tất bật nhất là những tháng đầu và cuối năm.  

Mong mỏi cụm công nghiệp làng nghề

Dù mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nhưng vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất đang khiến nhiều hộ dân nơi đây không khỏi âu lo. Bản thân anh Bình khi được hỏi cũng thẳng thắn thừa nhận: Gia đình phải đóng cửa phần lớn thời gian trong ngày để tránh bụi gỗ bay từ khu xưởng cách nhà chưa đến 5m! Khi chúng tôi ghé thăm một số xưởng sản xuất trên địa bàn xã, tay chân, quần áo của nhân công như “được” phủ một lớp bụi bột gỗ. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng với tình trạng bụi bặm như vậy, việc mắc các bệnh về tai, mắt, đường hô hấp chắc chắn không chỉ dừng lại ở mức độ “nguy cơ”. Không chỉ vậy, quá trình chế tác gỗ cũng thường xuyên tạo ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng tới dân cư khu vực xung quanh. 

Ông Nguyễn Đình Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn cho biết, để hạn chế tình trạng bụi, địa phương khuyến nghị các hộ lắp đặt hệ thống phun sương trong xưởng sản xuất. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống này tương đối cao nên số hộ áp dụng mới chỉ... đếm trên đầu ngón tay. “Địa phương đã quy hoạch cụm sản xuất công nghiệp tập trung khoảng 10ha. Tuy nhiên, chưa có vốn để triển khai…” - ông Trường cho hay. Đa số hộ sản xuất và người dân xã Hát Môn khi được hỏi đều bày tỏ nguyện vọng TP sớm quan tâm, có hướng hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, quy tụ các hộ về sản xuất, kinh doanh tập trung xa khu dân cư. Cụm công nghiệp làng nghề không chỉ góp phần giảm thiểu tác hại về môi trường đối với cuộc sống của người dân, mà còn là giải pháp lâu dài hướng tới sự phát triển bền vững của làng nghề mộc ở xã Hát Môn.