Mộc Liên Hà tìm hướng phát triển

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Thiếu quy hoạch sản xuất cùng sức cạnh tranh ngày một lớn từ sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của các địa phương khác đang khiến nghề mộc ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) lâm vào giai đoạn phát triển hết sức khó khăn.

Làng nghề trầm lắng
Khi chúng tôi ghé thăm xưởng đồ gỗ mỹ nghệ Trọng Dự, ông chủ trẻ Nguyễn Trọng Dự (SN 1987) đang cùng mấy nhân công tập trung khiêng bộ bàn ghế lên xe tải cho khách. Trong xưởng, có 7 nhân công, mỗi người một việc vẫn chăm chú, tỉ mỉ với từng công đoạn làm ra sản phẩm. Anh Dự cho biết, dù đã là những tháng cuối năm nhưng sức tiêu thụ khá chậm. Ngoài đội ngũ làm việc tại xưởng, một số nhân công được điều đi đo đạc, lắp đặt, chế tác sản phẩm (chủ yếu là đồ thờ cúng) tại các địa phương lận cận, thậm chí là qua các tỉnh khác như Bắc Ninh, Bắc Giang… Không chia sẻ doanh thu cụ thể, tuy nhiên, theo anh Dự, thu nhập từ nghề mộc so với trước năm 2011 thì không lớn bằng.   

Sản xuất đồ gỗ tại Làng nghề mộc, xã Liên Hà.

Ở  Liên Hà, số cơ sở hiện vẫn sản xuất và có giá trị kinh tế đủ để nuôi sống hàng chục lao động như hộ anh Dự đã không còn nhiều. Theo chị Lê Thị Châu - Cán bộ thống kê Văn phòng UBND xã Liên Hà, so với khoảng 10 năm trước, đóng góp từ nghề mộc vào kinh tế địa phương đã bắt đầu suy giảm từ giữa năm 2011. Nếu trước đây, người dân ở cả 8 thôn của xã đều tham gia làm nghề, nay chỉ còn 3 - 4 thôn giữ nghề. Số lượng nhân công ngày một ít dần. Hình ảnh đường liên xã Liên Hà - Thụy Lâm tấp nập xe cộ chở nguyên vật liệu, sản phẩm qua lại của nhiều năm về trước nay đã không còn. Dọc con đường khang trang dẫn về xã Liên Hà, những thân gỗ lớn được chất cao quá đầu người, nằm ngổn ngang như minh chứng cho sự chuyển dịch, phát triển chậm chạp của nghề mộc nơi đây.
Mong một chỗ làm nghề
Ở Liên Hà vài năm trở lại đây, mỗi thôn tập trung vào sản xuất một loại sản phẩm. Đơn cử, thôn Lỗ Khê chuyên chế tác đồ thờ cúng, thôn Châu Phong chuyên sản xuất mặt hàng nhà bếp, trong khi các thôn Đại Vỹ, Giao Tác lại tập trung vào sản phẩm bàn ghế, giường tủ… Một vài chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Liên Hà cho hay, nhân công không cao, nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm ngày một khó khăn do mức độ cạnh tranh trên thị trường đối với đồ gỗ mỹ nghệ có xu hướng ngày một lớn.
Bên cạnh khó khăn về tiêu thụ, người làm nghề mộc ở  Liên Hà còn thường trực nỗi lo về an toàn sức khỏe từ vấn đề môi trường phát sinh. Do thiếu mặt bằng sản xuất, phần lớn các hộ vẫn phải sản xuất tại khuôn viên nhà ở của gia đình. Tiếng ồn, bụi gỗ trong quá trình chạy máy công cụ sản xuất đã ảnh hưởng lớn tới đời sống dân cư. Thực tế, chúng tôi chỉ ghé thăm khu cắt, xẻ gỗ chừng 15 - 20 phút, nhưng bụi bặm đã phủ bám rất dày lên quần áo. Anh Nguyễn Trọng Dự cho hay: Gia đình ở tách rời khu xưởng mà phải đóng cửa cả ngày để tránh bụi bay vào nhà! Ảnh hưởng của môi trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến số hộ theo nghề mộc ở xã Liên Hà liên tục giảm sút. 
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, nghề mộc ở xã Liên Hà chủ yếu là tự phát, mạnh ai người đó làm nên việc phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là khi có sự cạnh tranh. Trước ảnh hưởng của nghề mộc tới đời sống dân cư, địa phương cũng đã quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại thôn Giao Tác. Tuy nhiên, do diện tích hẹp nên hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu về địa điểm sản xuất cho một bộ phận người dân. Liên quan tới định hướng phát triển, ông Nam kiến nghị, UBND huyện Đông Anh nghiên cứu, hướng dẫn thành lập hợp tác xã hoặc ban quản lý làng nghề mộc, giống như cách làm của một số làng nghề mộc trên địa bàn Hà Nội. Đây sẽ là cơ sở nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tăng cường mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, qua đó thúc đẩy sự phát triển của làng nghề mộc xã Liên Hà.