Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nếu cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội Khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà.
Theo các tư liệu lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ngày 25/4/1976, với không khí là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những ĐB xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 ĐB Quốc hội trong tổng số 605 ứng cử viên, gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, ĐB các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, ĐB các dân tộc thiểu số và các tôn giáo. “Thành phần của ĐB Quốc hội được cử tri lựa chọn phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.
Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội Khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; chính thức đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội Khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp năm 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của Nhân dân; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng…
ĐB 6 kỳ Quốc hội từ Khóa VI đến Khóa XI Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết, Quốc hội Khóa VI đã để lại ấn tượng đặc biệt trong bà. Bởi đây là kỳ Quốc hội mang tính lịch sử rất sâu sắc, ghi lại dấu ấn trong chiều dày lịch sử của đất nước. Nếu Quốc hội Khóa I là mở màn cho nền độc lập dân chủ thì Quốc hội Khóa VI đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau 30 năm chiến tranh chia cắt hai miền. Quốc hội thống nhất với một ý chí rất cao, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ĐB Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ cao cho những quyết định quan trọng cho bước phát triển mới của đất nước. “Khi đó, với một người trẻ như tôi và nhiều ĐB khác được tham gia biểu quyết quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước là một niềm vinh dự lớn lao” - bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ. Đồng thời cho biết, bà còn nhớ lần đầu tiên “tiếp xúc cử tri” sau kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Khóa VI, sau khi thông báo kết quả họp Quốc hội, Nhân dân đều rất vui mừng trước những kết quả đạt được, đất nước thống nhất, gia đình sum họp, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ra sức lao động sản xuất xây dựng đất nước.
Đã trải qua 13 khóa và đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội Việt Nam đã ngày càng phát triển vững mạnh và không ngừng đổi mới. Mỗi kỳ Quốc hội có những sự kiện, dấu ấn riêng. Nhưng như ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: Những kinh nghiệm trong các kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây là những bài học quý giá để tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới đây. Đồng thời để mỗi cử tri cũng thêm nhận thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa to lớn của mỗi lá phiếu bầu để sáng suốt lựa chọn những ĐB xứng đáng vào Quốc hội.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội Khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội ngày 25/4/1976.
|