Nhìn lại kết quả thực hiện trong 5 năm qua cho thấy, tuy vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng quá trình tái cơ cấu đang đi đúng hướng, tạo những bước chuyển biến tích cực khi mà kinh tế thế giới phục hồi chậm, vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Giảm bớt tình trạng xin - cho trong đầu tư công
Kết quả dễ nhìn thấy nhất ở trọng điểm tái cơ cấu đầu tư công là Quốc hội đã sửa đổi, ban hành một số luật có liên quan nhằm giảm bớt tình trạng xin - cho, giảm bớt tình trạng phân tán, dàn trải, đẩy nhanh tiến độ, giảm bớt lãng phí thất thoát, tăng cường trách nhiệm cho chủ đầu tư...
Tuy nhiên, về đầu tư công hiện cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tuy đã giảm xuống, nhưng vẫn còn rất lớn (9 tháng năm 2016 vẫn còn chiếm tới 37,6%). Trong đó, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,5% trong tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước); nếu kể cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch…, tỷ lệ đó có thể lên tới 87,3%.
Để khắc phục những tồn tại này, một mặt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được đẩy mạnh, một mặt công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ đã được tập trung hơn. Kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp cân đối ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tăng lên với quy mô lớn mà còn giúp cải thiện môi trường, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công cuộc khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh hơn với nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tạo lòng tin và có sự hỗ trợ tích cực.
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước gắn với thoái vốn
DN Nhà nước (DNNN) đã được giảm về số lượng (hiện chỉ còn chiếm 0,75% tổng số DN của cả nước, nhưng lại chiếm tỷ trọng rất cao về vốn (31,77%), giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn (39,74%). Tuy vậy, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 21,9% - thấp xa so với tỷ trọng về vốn, về tài sản cố định. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung tỷ suất lợi nhuận khu vực DNNN vẫn thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất vay ngân hàng thương mại. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có tình trạng “nhầm chủ”, làm cho vốn không sinh lời, mà còn mất cả vốn; hoặc là có sinh lời, nhưng lại rơi vào túi của ông chủ nhầm hoặc nhóm lợi ích… Nhìn từ những bất ổn của quá trình tái cơ cấu này, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần thay đổi vai trò của Nhà nước về quản lý. Theo đó, Nhà nước chỉ là nhà đầu tư với vai trò như cổ đông góp vốn có chức năng giám sát, báo cáo tài chính, phiếu bầu ban quản trị... Nếu có hiệu quả thì tiếp tục giữ vốn, nếu không thì rút vốn... Điều quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vốn ở những ngành nghề, lĩnh vực cần nắm giữ, còn lại thì thoái vốn theo quy định. Điều hành sản xuất, kinh doanh của DN thì do DN làm.
Kiên quyết trong tái cơ cấu ngân hàng
Tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lần đầu tiên nhấn mạnh đến việc cân nhắc cho phá sản một số ngân hàng yếu kém sau nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng không cải thiện tình hình kinh doanh. Điều này thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ trong việc làm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Thực tế trong thời gian qua, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định hệ thống... được cải thiện, lãi suất cho vay cũng đã được giảm nhẹ, góp phần làm cho việc khởi nghiệp được đẩy mạnh, tăng trưởng GDP cao lên qua các quý. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, có liên quan chặt chẽ với nhau. Lãi suất cho vay vẫn còn cao so với mức lạm phát trong 3 năm gần đây. Nợ xấu ở các ngân hàng thương mại tuy được giảm xuống, nhưng chủ yếu chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), trong khi VAMC lại không bán được nhiều nợ. Quản trị ngân hàng còn kém (do sở hữu chéo, sân sau, cho vay không thẩm định kỹ...). Điều này cho thấy, nếu không kiên quyết, có những giải pháp quyết liệt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi nợ xấu sẽ có nguy cơ tăng cao.
Đánh giá lại để thấy, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu 3 lĩnh vực trên tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Nếu không tạo ra sự đồng bộ, gắn kết, hiệu quả thì mục tiêu tái cơ cấu khó mang lại hiệu quả.