Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mới chữa “triệu chứng”

Gia Tuấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 5 năm, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến cảnh khách hàng tập trung thành nhóm để khiếu kiện những sai trái của chủ đầu tư.

Tình trạng này đang có dấu hiệu bùng phát căng thẳng trong tháng cuối năm 2017, ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản thị trường. Xung quanh vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông nhận định như thế nào về vòng luẩn quẩn “tranh chấp - khiếu nại” giữa cư dân và chủ đầu tư các dự án chung cư?

- Đến nay, mô hình chung cư đã khẳng định được vai trò ưu việt trong đô thị hiện đại. Thứ nhất, giải quyết được bài toán về không gian sống ở các TP chật chội như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thứ hai, đáp ứng được nhu cầu được sở hữu căn hộ một cách đa dạng (từ bình dân cho đến cao cấp).

Tuy nhiên, sự bùng nổ quá nhanh trong khi nhận thức của người dân và chủ đầu tư còn hạn chế, khả năng quản lý loại hình này còn nhiều bất cập đã khiến chung cư trở thành nguyên nhân của nhiều cuộc kiện tụng. Đặc biệt, tình trạng trục lợi ngay từ đầu vào của các DN địa ốc dẫn đến khâu hậu mãi vênh so với hợp đồng mua bán ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng. Tôi vẫn thường hay ví vòng luẩn quẩn trên như cơ thể suy nhược lâu ngày. Nếu không có biện pháp tổng thể, thị trường BĐS sẽ “down” nhanh vô cùng.

Thực tế, chúng ta đã có khung pháp lý để giải quyết các vấn đề tranh chấp này, thưa ông?

- Không phải không có những quy định cụ thể của pháp luật, mà bởi những tranh chấp này đều nằm rải rác trong các văn bản luật, nghị định, thông tư đi kèm. Thậm chí, để đi tới cùng một vụ kiện giữa cư dân và chủ đầu tư cực kỳ khó khăn. Vì vậy, rõ ràng cần phải làm nghiêm túc từ nguyên nhân gốc rễ, chứ không thể thấy chung cư này dân căng băng rôn biểu ngữ lại đi chữa thay kiểu “triệu chứng”. Rất tiếc vào giai đoạn năm 2012, khi tranh chấp khiếu kiện chung cư xảy ra liên tục, chúng ta chưa tổng kết lại để đưa ra bài học, dù nó là giai đoạn rất khó khăn, rất đáng phải rút kinh nghiệm. Không nên cho rằng đó như biểu đồ hình sin của thị trường BĐS, là điều bình thường mà cần dũng cảm nhìn nhận để tránh.

Theo ông, tình trạng này liệu có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường không?

- Một DN BĐS thông thường đầu tư ít nhất 2, 3 dự án. Chỉ cần một dự án dính “dớp” vô hình trung khiến thanh khoản các dự án khác cũng “down” ngay lập tức, mất giá từ 2 - 5 triệu đồng/m2, giao dịch cũng rất nhỏ giọt. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khách hàng ngại mua phải các căn hộ mà chủ đầu tư và cư dân đang có tranh chấp, khiếu kiện. Không chỉ nội tại dự án dính tranh chấp xuống giá mà mặt bằng chung cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều chuyên gia lo ngại, giờ này năm sau chúng ta vẫn lại ngồi bàn cách giảm tranh chấp chung cư?

- Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, đã là thị trường sẽ khó bình lặng. Song, đừng để quá nhiều sóng gió. Bởi bản thân nội tại các chủ đầu tư trong nước không giải quyết được tranh chấp cho cư dân sẽ thành tiền lệ không tốt. Một môi trường đầu tư nhiều khiếu kiện, rõ ràng khó thu hút các DN nước ngoài.

Thay vì đưa ra những quy chế quản lý, sử dụng chung cư “trời ơi đất hỡi” như cấm nói tục, chửi bậy, nuôi súc vật tại chung cư… cần tạo ra khung luật cụ thể để giải quyết tận gốc những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư. Thực tế, không ít chủ đầu tư thường ỷ vào lỗ hổng về pháp lý để nhờn luật, “cò quay” giải quyết quyền lợi chính đáng của cư dân. Thậm chí, một số DN BĐS còn thách thức khách hàng kiện. Nhà nước nên đối diện với thực tế này để thận trọng xem xét đúng bản chất tình trạng xung đột. Đáng lẽ chúng ta phải làm từ cách đây 5 năm trước và nếu như vậy, có thể đã tránh được những khó khăn hiện tại.

Xin cảm ơn ông!