Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mối lo bệnh dại từ vật nuôi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá mới đây của Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT) cho thấy, dù tỷ lệ người bị tử vong do bệnh dại có nguyên nhân từ vật nuôi, chủ yếu là chó, mèo gây ra đã giảm, nhưng vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn.

10 năm, 56 ca tử vong do bệnh dại

Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn TP vào khoảng 423.000 con. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, số người tử vong do bệnh dại lây truyền từ hai loài vật nuôi này vẫn rất đáng lo ngại. Thống kê từ năm 2006 đến nay, riêng tại Hà Nội, tổng số ca tử vong do bệnh dại trên chó, mèo lên tới 56 trường hợp. Trong đó, hai địa phương có số ca tử vong nhiều nhất là Ba Vì và Chương Mỹ. Cùng với đó, mỗi năm có khoảng 8.000 người dân Hà Nội phải đi tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế. Xét trên bình diện cả nước, tính từ năm 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 người tử vong do bệnh dại và trên 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng.

Tiêm phòng cho chó tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hà

Phó Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y Hà Nội) Cấn Xuân Minh cho biết, công tác quản lý chó, mèo tại các địa phương hiện còn rất lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mực, nhất là ở vùng nông thôn. Tình trạng chó, mèo thả rông còn rất phổ biến, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn. Người dân chỉ mới tập trung vào phòng chống bệnh dại, trong khi bệnh trên vật nuôi rất đa dạng và hiểm họa khôn lường. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm chủ hộ không chấp hành quy định tiêm phòng vaccine dại và có vật nuôi gây hại.

Thí điểm 5 vùng an toàn bệnh dại

Trước mối nguy hiểm thường trực của bệnh dại trên vật nuôi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 193/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Đến nay, cả nước đã thống kê được số hộ nuôi chó tại 50/63 tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội. Công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng được tăng cường trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất toàn quốc với trên 70% vật nuôi được tiêm phòng bệnh dại.

TS Sử Thanh Long - Trưởng bộ môn Ngoại sản (Khoa Thú y - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Cần làm tốt công tác tiêm phòng vaccine trên vật nuôi. Đồng thời tăng cường nghiên cứu dịch tễ và công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng. Bên cạnh nghiên cứu triển khai chương trình nâng cao sức khỏe trên vật nuôi, cần đẩy mạnh đăng ký, giám sát đàn chó, mèo.

Cùng với các giải pháp trên, đối với riêng Thủ đô, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, TP sẽ xây dựng thí điểm 5 vùng an toàn bệnh dại tại 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Cầu Giấy. Trong đó tổ chức tiêm phòng định kỳ, tẩy giun, triệt sản và đeo thẻ, gắn chíp giám sát dịch bệnh cho chó, mèo trong vùng an toàn bệnh dại. Trên cơ sở đó, sẽ từng bước nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn TP.

“Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, Chính phủ cần đẩy mạnh Chương trình nghiên cứu vaccine phòng, chống bệnh dại, trọng tâm là ở chó, mèo. Đồng thời, xem xét bổ sung vaccine dại vào Chương trình 30a nhằm hỗ trợ các địa phương nghèo dự phòng vaccine bệnh dại…”

TS Văn Đăng Kỳ Chuyên gia tư vấn cao cấp của FAO