Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi năm có 100.000 con gia cầm bị tiêu huỷ do bệnh cúm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin về ảnh hưởng của bệnh cúm đến đàn gia cầm giai đoạn 2015 đến nay, được đề cập tới trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật do Bộ NN&PTNT công bố mới đây.

Bệnh Cúm gia cầm (CGC) lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2003, sau đó lây lan sang các địa phương khác của cả nước. Đến nay, bệnh đã được khống chế tốt, trở thành bệnh địa phương và thỉnh thoảng xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ và ở các đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin.
Giai đoạn từ năm 2003 – 2006 là thời điểm dịch bệnh bùng phát. Khi đó, CGC đã xuất hiện tại trên 2.043 xã, phường và thị trấn, chiếm khoảng 18,3% tổng số xã có chăn nuôi gia cầm trong phạm vi cả nước. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 45 triệu con.
 Hàng chục vạn gia cầm bị tiêu huỷ mỗi năm vì bệnh cúm 
Giai đoạn 2008 – 2019, dịch bệnh CGC xảy ra ở quy mô giảm dần, chỉ xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ (một vài hộ bị dịch trong một tỉnh) với số lượng gia cầm bị tiêu hủy giảm dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2008 – 2014, số ổ dịch CGC trên cả nước trung bình khoảng trên 150 xã/năm với số lượng gia cầm bị tiêu hủy khoảng gần 200.000 con/năm.
Trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2015 đến hết năm 2019), số ổ dịch CGC trên cả nước trung bình chỉ còn khoảng 30 - 50 xã/năm với số lượng gia cầm bị tiêu hủy chỉ còn dưới 100.000 con/năm. Bệnh chỉ phát sinh rải rác trên đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ của hộ gia đình tại một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung; các ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng.
Bộ NN&PTTN nhận định, do vi rút CGC A/H5N1 và A/H5N6 đã lưu hành rộng rãi trong quần thể gia cầm và môi trường tại hộ chăn nuôi, điểm thu gom, giết mổ, chợ buôn bán gia cầm sống do đó trong những năm tới, CGC có thể tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, do việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp, một số chủng vi rút CGC nguy hiểm khác như H7N9, H5N2, H5N8… có thể xâm nhiễm vào nước ta gây nguy hiểm cho chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.