Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn...

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân, trong khi đó, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vừa thiếu, vừa yếu. Để làm rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như giải pháp của lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống "giặc lửa", báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức - Ảnh 1

Ông cho biết thực trạng công tác PCCC hiện nay trên địa bàn TP. Đặc biệt, tại các khu chung cư, tập thể, chợ dân sinh, phương tiện PCCC chỉ "lấy lệ", số hoạt động tốt chiếm rất ít?

- Có thể khẳng định, cháy là một trong những thảm họa đối với con người,  xã hội và môi trường, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, tổ chức, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn còn nhiều bất cập. Trên địa bàn TP, hiện vẫn tồn tại các khu nhà chung cư cao tầng không đảm bảo được yêu cầu về công tác PCCC, cá biệt có những khu tập thể cũ xây dựng cách đây vài chục năm, hệ thống PCCC trang bị tại chỗ hầu như không có, đảm bảo an toàn trong thoát nạn rất hạn chế. Còn tại các chợ dân sinh xây dựng từ trước năm 2000, về kiến trúc quy mô, giao thông, nguồn nước, phương tiện phục vụ chữa cháy tại chỗ hầu như đã xuống cấp, chưa kể đến việc thiếu phương tiện PCCC tối tân khác để phù hợp với tiêu chuẩn hiện tại như hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Đây là một trong những nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn do thiếu phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

 
Hiện trường vụ cháy chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hương Lan
Hiện trường vụ cháy chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hương Lan
- Đây cũng là một trong những tồn tại của công tác PCCC, bởi phần lớn các cơ sở đều được xây dựng và hoạt động từ lâu và tại thời điểm đó chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh việc cần thiết phải trang bị các phương tiện PCCC đối với từng loại hình cơ sở như hiện nay. Bên cạnh đó, các khu chung cư tái định cư, do thiếu nguồn vốn, kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên, các phương tiện chữa cháy tại chỗ có hoạt động nhưng không hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ về thực trạng, từ đó tham mưu giải pháp với các cơ sở đã xây dựng từ lâu như chợ, chung cư cũ, có nguồn kinh phí khắc phục được các tồn tại về PCCC tại các loại hình cơ sở này. Nhiều cơ sở chưa chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy, nhiều vụ cháy xảy ra nhưng phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận để triển khai chữa cháy, trong khi đó việc sử dụng điện, gas của người dân còn nhiều bất cẩn…

Nhưng cũng không thể phủ nhận có những cơ sở chủ đầu tư "chây ỳ", phớt lờ việc trang bị các phương tiện PCCC?

- Đúng vậy, hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC đã tăng cường kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất công tác PCCC các điểm có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư cao tầng, chợ và trung tâm thương mại nơi thường xuyên tập trung đông người. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện những nơi nào có những thiếu sót, tồn tại trong công tác PCCC đã được nhắc nhở và xử phạt hành chính nhưng không khắc phục, chúng tôi sẽ đề nghị các cấp và ban quản lý có biện pháp xử lý theo quy định. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với 10 phòng Cảnh sát PCCC khu vực tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo đến các cơ sở, chủ trương gắn công tác PCCC khu vực với lực lượng dân phòng tại chỗ, đẩy mạnh công tác tuần tra nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các đám cháy.

Ông đánh giá thế nào về ý thức của người dân về công tác PCCC?

- Với công tác PCCC, chúng tôi xác định người dân đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu người dân phát hiện đám cháy sớm và có kỹ năng xử lý PCCC tại chỗ, kịp thời, đúng quy trình thì đám cháy sẽ được kiểm soát phần nào, hậu quả tai nạn do cháy, nổ gây ra sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy tại nhiều khu chung cư, nhà cao tầng, người dân vẫn còn hết sức thờ ơ với việc ngăn ngừa “giặc lửa”. Nhiều nơi, người dân vẫn vô tư đốt vàng mã tại chiếu nghỉ, cầu thang thoát hiểm. Hay tại các khu đô thị tái định cư mà chúng tôi đi kiểm tra, nhiều hộ dân còn biến các hộp kỹ thuật thành nơi chứa các vật liệu dễ cháy như than tổ ong, hộp xốp, thùng các - tông… Đó là chưa kể đến việc ở sân chung của các khu tập thể, nhiều người còn vô tư đun nấu ngay cạnh bãi trông xe. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn vô cùng nguy hiểm cho các đám cháy lớn.

Để làm tốt công tác PCCC, trước mắt cần tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?

- Giải pháp hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho cán bộ và Nhân dân. Hơn nữa, cần gắn nội dung tuyên truyền về PCCC với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác; xây dựng các phóng sự điều tra phản ánh về thực trạng công tác PCCC và các biện pháp giải quyết PCCC có hiệu quả, phản ánh về kinh nghiệm PCCC, về gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân PCCC; tổ chức thi tìm hiểu về công tác PCCC; tổ chức tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố đông dân cư; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh tại các khu dân cư…

Mỗi người dân cần đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC; trước hết, phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư và các quy định về phòng chống cháy rừng, chú ý khi sử dụng điện, ga trong sinh hoạt và sản xuất, đề phòng cháy, nổ. Sở Cảnh sát PCCC TP tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC qua loa phát thanh về các nội dung khuyến cáo kỹ năng thoát nạn, các nguy cơ gây cháy nổ và các biện pháp hạn chế cháy trong quá trình sinh hoạt, phương pháp PCCC tại chỗ… đến tận khu dân cư, tổ dân phố, ban quản lý các khu nhà cao tầng…

Xin cảm ơn ông!