Mối quan hệ giữa Mỹ và Haiti: Tránh dớp cũ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến cố ở Haiti đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tình thế khó xử. Tuy chỉ là quốc gia nhỏ nhưng Haiti về phương diện địa chính trị lại nằm ở nơi vốn từng được coi là sân sau của Mỹ.

Cảnh sát áp giải nghi phạm sát hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính vì thế bất an và bất ổn về chính trị và xã hội luôn tác động tiêu cực trực tiếp tới Mỹ. Nếu chỉ đứng ngoài nhìn thì vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở cả khu vực sân sau này không tránh khỏi bị tổn hại. Nhưng nếu cần tham dự vào, dù với bất kỳ mục đích và tính chất cũng như dưới bất kỳ hình thức nào thì Mỹ cũng đều không tránh khỏi nguy cơ bị sa lầy, đặc biệt về quân sự. Từ hơn 100 năm nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Haiti luôn bị phủ bóng đen của quá khứ lịch sử đầy trắc trở và hiềm khích, nghi ngại và thành kiến của người dân Haiti với Mỹ.
Bất chấp được Chính phủ Haiti yêu cầu, ông Biden không đưa quân Mỹ vào đất nước này mà chỉ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ nhất định để bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Haiti. Có 3 nguyên nhân chính khiến cho ông Biden hiện khó có thể đưa ra được quyết sách khác. Thứ nhất, dân Mỹ hiện tại như thể không còn chút hứng thú nào nữa với việc triển khai binh lính Mỹ ở nước ngoài. Ông Biden lại còn đang quyết tâm hoàn tất sớm việc rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan. Can thiệp quân sự lúc này vào Haiti vì thế chỉ lợi bất cập hại về đối nội đối với ông Biden.

Thứ hai, bài học thất bại của Mỹ ở Somalia năm xưa vẫn luôn rất thời sự ở nước Mỹ. Mọi lần can thiệp quân sự vào chính biến ở nước ngoài luôn dễ dàng trở thành ác mộng đối với nước Mỹ và chính quyền Mỹ về chính trị, như quân sự, tâm lý cũng như xã hội.

Thứ ba, cả ở Haiti, Mỹ cũng để lại cái dớp cũ là can thiệp quân sự không giải quyết được ổn thỏa và lâu bền mọi chuyện chính trị quyền lực và an ninh, ổn định xã hội. Cái dớp cũ này cảnh báo ông Biden không nên mạo hiểm về chính trị và quân sự ở Haiti.