Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường du lịch Hà Nội: Ngày càng thân thiện

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển từ chỗ bị động sang chủ động, phối hợp liên ngành chặt chẽ, năm 2016, Hà Nội đã ứng phó kịp thời với hiện tượng bất thường của du lịch như hướng dẫn viên là người nước ngoài; hành vi chèo kéo, bắt chẹt, ép giá...

 Vì thế, môi trường du lịch Thủ đô được ghi nhận ngày càng an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn.
Chuyển bị động sang chủ động
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay, Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra, kiểm tra. Ngay từ đầu tháng 12/2015, Sở đã “lên khuôn” kế hoạch thanh tra năm 2016. Tiếp sau đó là kế hoạch phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch năm 2016. Đặc biệt phải kể đến Thông báo số 05/TB-SDL ngày 19/2 triển khai kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch năm 2016 trên địa bàn TP - hoạt động được xem là “bước ngoặt” giúp thanh tra du lịch chuyển từ thế bị động sang chủ động.
 Du khách tham quan trên khu vực phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công 
Nhờ đó, dù chỉ có 5 người, nhưng năm 2016, Thanh tra Sở đã phối hợp chặt chẽ với liên ngành giải quyết nhanh nhiều vụ việc. Cụ thể, đã kiểm tra 123 DN, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn, trong đó lập biên bản vi phạm hành chính 10 cơ sở và xử phạt 129 triệu đồng; 77 DN kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch, lập biên bản vi phạm và xử phạt 6 DN và 2 hộ cá thể 121 triệu đồng. Kiểm tra hơn 100 lượt hướng dẫn viên, xử phạt 5 triệu đồng, tịch thu 1 thẻ hướng dẫn viên.
Trưởng phòng Thanh tra du lịch, Bộ VHTT&DL Tạ Văn Đại đánh giá: Hà Nội là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác thanh tra, kiểm tra, mặc dù lượng khách du lịch tăng trưởng tới 23%. Hiệu quả công tác thanh tra nhờ chuyển từ bị động sang chủ động, phối hợp liên ngành chặt chẽ với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” rất đáng để các địa phương khác học tập. Minh chứng là dù năm 2016, lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội tăng đột biến, nhưng Hà Nội không để xảy ra vấn đề nổi cộm.
Không đón khách bằng mọi giá
Ông Hồng khẳng định, Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn viên để ngăn ngừa mọi nguy cơ xấu có thể xảy đến. Hà Nội không đón khách bằng mọi giá, bất cứ đoàn khách quốc tế nào không đủ điều kiện theo quy định sẽ không được cấp phép. Năm 2017, Thanh tra Sở sẽ cùng liên ngành phối hợp thanh tra, kiểm tra chuyên đề tại những địa bàn trọng điểm như: Hồ Hoàn Kiếm, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Tây, Chùa Hương… nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dứt điểm tình trạng chèo kéo, ép giá, ép khách, chặt chém, mất VSMT, vệ sinh ATTP; hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú, lữ hành trái quy định pháp luật; các hoạt động có tính chụp giật trong phố cổ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn với bộ phận tiếp nhận thông tin và hỗ trợ khách du lịch và các cơ quan hữu trách để giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của khách du lịch, nhất là khách quốc tế…
Giới chuyên môn nhận định, thời gian tới, lượng khách quốc tế đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ tăng trưởng mạnh nhờ thực hiện visa điện tử. Vì thế, ông Hồng đề nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị toàn ngành về công tác thanh tra, nhằm tìm ra “lời giải” cho những “vấn nạn” còn tồn tại cũng như bất thường có thể xảy đến trong tương lai. Đồng thời, lực lượng liên ngành từ T.Ư đến cơ sở, DN, người dân và du khách cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Theo ước tính của Sở Du lịch, năm 2016, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 22 triệu lượt, tăng 10,7%; tổng thu từ du khách đạt hơn 62.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, du khách quốc tế đến Hà Nội đạt 4 triệu lượt, tăng 22,6%; khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội đạt 2,9 triệu lượt, tăng 23%; khách nội địa đạt 18 triệu lượt, tăng 8,4%.


Từ khi Sở Du lịch Hà Nội được tái thành lập, nhất là năm 2016 này, ngành công nghiệp không khói của Thủ đô luôn được ưu tiên đầu tư, phát triển. Đặc biệt, Sở Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có các DN du lịch để giải quyết các vấn nạn còn tồn tại. Nhờ đó, môi trường du lịch Hà Nội đã có sự chuyển biến rất tích cực. Tình trạng chặt chém hoặc những trò lừa gạt thường chỉ xảy ra với một số rất ít khách đi lẻ.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet
Nguyễn Tiến Đạt