Tại hội thảo" "EVFTA: Cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp tại Việt Nam" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức tại Hà Nội sáng 20/12, ông Sebastian Eckardt, phụ trách bộ phận kinh tế, tổ chức World Bank tại Việt Nam đã đánh giá cao nhưng cải cách về thể chế và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Theo ông, bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới, thậm chí nhiều nước còn tăng trưởng âm, nhưng trong năm 2016 Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tới 6% và con số này sẽ tiếp tục duy trì trong trung hạn.
Phiên thảo luận những cơ hội đầu tư từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Bằng chứng rõ nét nhất là giá trị xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên, nhiều mặt hàng như nông sản, gạo, dệt may vẫn đang dẫn đầu về xuất khẩu trên thế giới.
Đáng chú ý, trong năm 2016, lạm phát của Việt Nam tiếp tục giữ ở mức thấp, cùng với tỷ giá ổn định là những động lực chính giúp chênh lệch thương mại của Việt Nam giảm dần, tiến tới xuất siêu.
Chuyên gia này cho rằng, hiện Việt Nam đang ở vị thế rất tốt, trong đó lực lượng lao động tiếp tục tăng trưởng và có kỹ năng tốt hơn chính là những yếu tố thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
"Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ về thể chế, việc cải cách này sẽ giúp cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư thời gian tới," chuyên gia đến từ World Bank nói.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 2/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây cho thấy các doanh nghiệp châu Âu phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục gia tăng đầu tư.
Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 4/2016, các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư 1.809 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến hơn 23 tỷ USD và dự tính con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương rất coi trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, do vậy các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thông qua việc am hiểu thị trường cùng như môi trường đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp châu Âu để cùng hợp tác và phát triển.
"Tiềm năng vẫn còn rất lớn và tất cả nhà đầu tư từ EU vào Việt Nam đều rất thành công, do vậy khi EVFTA được ký kết sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh./.