Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong cộng đồng doanh nghiệp Việt-Nga sẵn sàng đón nhận cơ hội mới

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, sáng 30/6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Thủ đô Moskva, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm Kinh tế Việt-Nga.

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Phát triển Kinh tế Nga tổ chức.
Tham dự tọa đàm có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin, cùng khoảng 500 doanh nghiệp hai nước.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Tọa đàm Kinh tế Việt-Nga. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phát biểu trước đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ sau hơn ba thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và ổn định, có quy mô trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD.
Việt Nam là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với 12 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Với nền tảng phát triển năng động, vị trí địa lý chiến lược nằm giữa tam giác phát triển Trung Quốc-Ấn Độ-ASEAN, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 300 tỷ USD vốn đầu tư từ 119 đối tác và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, nông nghiệp.
Không chỉ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, khai khoáng, viễn thông, nông-lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ…, với những đối tác chính là những quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời, trong đó có Liên bang Nga.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng và quy mô nền kinh tế, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế bình quân 6,5-7 %/năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển ổn định, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Liên bang Nga là đối tác nước ngoài duy nhất có quan hệ hợp tác đầu tư mang tính tương tác cao với Việt Nam khi quy mô thu hút và đầu tư của mỗi nước đều vượt 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp Liên bang Nga đã đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam, là đối tác thứ 23 trên tổng số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Liên bang Nga cũng là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam với gần 3 tỷ USD thông qua các dự án tiêu biểu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn TH Milk, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư từ Liên bang Nga, nhất là những lĩnh vực Liên bang Nga có thế mạnh, như năng lượng, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, thiết bị công nghiệp, sản xuất ôtô và linh kiện ôtô...
Việt Nam cũng mong muốn Liên bang Nga tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Liên bang Nga trong những lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, kinh doanh bất động sản, khai khoáng...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng: “Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực, Việt Nam mong muốn các sản phẩm dệt may, nông-thủy-hải sản đã qua chế biến, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng... có chất lượng của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường Nga rộng lớn. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đón nhận, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, khoáng sản, nguyên liệu sản xuất của Liên bang Nga.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng tương lai của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ phụ thuộc vào mong muốn và nỗ lực của hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội mới, chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo, phát huy lợi thế, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Liên bang Nga kết nối đầu tư, kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam.”
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin nêu rõ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Liên bang Nga và Việt Nam có nhiều điểm đặc biệt, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, dầu khí, vận tải.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam tạo động lực rất tốt cho việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều, vì vậy trong những năm tới hai bên cần tập trung phát triển các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Maxim Oreshkin nhấn mạnh các văn kiện được ký kết trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai.
Liên bang Nga mong muốn tiếp tục có nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Nga như hoa quả và thủy sản…
Phía Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành điện lực, khoáng sản và tin tưởng các dự án mới được ký kết sẽ giúp đưa kim ngạch thương mại hai nước tăng cao.
Bộ trưởng Maxim Oreshkin cho rằng Việt Nam chính là cầu nối để các doanh nghiệp của Nga thâm nhập thị trường ASEAN.
Trên tinh thần này, Bộ trưởng Maxim Oreshkin đề nghị hai bên soạn thảo chương trình hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư về trung hạn.
Khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Bộ trưởng Maxim Oreshkin nhấn mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ là nhân tố góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt phát triển bền vững./.