Kinhtedothi - Bên lề Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với một số Công dân Thủ đô ưu tú và các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, được họ chia sẻ về những cảm xúc, mong mỏi của mình đối với sự phát triển của Thủ đô hôm nay và trong tương lai.
Nhà sử học Lê Văn Lan - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013: Còn nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến chuyện thi đua yêu nước
Đến dự ĐH Thi đua TP lần này, tôi có cảm giác phấn khởi vì Đại hội được tổ chức quy mô, lại xen lẫn bùi ngùi bởi trong khi ĐH hội tụ khá đông đủ những gương mặt đã được trao tặng các danh hiệu thi đua qua 5 năm thì cũng vắng bóng không ít người vì đã ra đi mãi mãi, trong đó có những người bạn rất thân của tôi như Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Tô Hoài… Hà Nội và cả nước vẫn rất trân trọng họ - những người đã mang hết tâm sức đóng góp cho Thủ đô. Họ sẽ được tôn vinh và được noi gương bởi những người kế tục, trong đó có tôi và lớp lớp người trẻ có mặt ở ĐH hôm nay.
Dù đã nhiều tuổi, nhưng còn một chút sức nào thì vẫn cố làm việc sao cho xứng với đồng bào Thủ đô, cả nước và với những người bạn thân đã ra đi, để cho thế hệ sau cũng trông vào việc làm và những cố gắng của chúng tôi để họ tiếp tục cống hiến.
Rất mừng gần đây, phong trào thi đua đã được chăm lo bồi dưỡng rất chu đáo, công phu và tin chắc từ nay trở đi, phong trào thi đua nếu được kích thích bởi những ngày lễ, sự kiện lớn thì sẽ càng tiếp tục phát triển. Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn có một trăn trở là, cho dù tôi cũng như nhiều người khác luôn cố gắng mang hết khả năng, hiểu biết về lịch sử của mình để đưa đến cho các bạn trẻ, nhưng như tôi nhận thấy, phần đông các bạn trẻ hiện nay rất chưa quan tâm chuyện thi đua yêu nước, chăm lo vào sự nghiệp chung. Rất nhiều bạn chỉ mải mê vào những chuyện hưởng thụ, hoặc bắt chước bên ngoài… Điều đó khiến cho những người có trách nhiệm, những người hay cả nghĩ như tôi rất lo. Thế nên, ngày nào còn sức, còn khả năng thì ngày đó tôi sẽ phục vụ, lôi kéo các bạn trẻ vào đúng quỹ đạo mà lịch sử, mà Hà Nội và đất nước đang mong chờ ở họ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015: Mong tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Vinh dự lớn khi được tặng danh hiệu cao quý này, bản thân tôi cũng tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của địa phương. Nhớ lại những năm còn khó khăn, chúng tôi vừa làm nghề vừa kết hợp với làm du lịch, cố gắng đưa được nghề dệt lụa truyền thống phát triển, phát huy được các sản phẩm chất lượng cao, đưa Vạn Phúc trở thành làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
Nhất là tôi rất vui vì đã đưa được sản phẩm từ chỗ trước đây ở thế “bị động” giờ đã thành “chủ động”, được bán ra thị trường cho khách hàng trong nước và quốc tế, mang lại nhiều công ăn việc làm cho bà con.
Không bằng lòng với những gì đã có, tôi và bạn bè vẫn đang tích cực tham gia các phong trào của địa phương, liên tục đi quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước để sản phẩm ngày càng được biết đến. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng các anh chị em trong làng nghề, các thợ giỏi cũng như nghệ nhân khác để đưa sản phẩm lụa Vạn Phúc truyền thống mỗi ngày vang xa hơn, làm sao đi nhiều nước trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho địa phương và Thủ đô.
Tôi cũng cho rằng, sản phẩm lụa Vạn Phúc luôn cần được kết hợp giữa 2 yếu tố truyền thống và hiện đại, để làm sao có chất lượng ngày càng cao, phù hợp với thị hiếu của người dân. Để có được điều đó, chúng tôi mong muốn các cấp ngành TP tiếp tục quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, nhất là tạo đầu ra cho sản phẩm để xuất khẩu nhiều hơn, các chương trình đào tạo, hỗ trợ vốn…
TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015: Hà Nội muốn có nền giáo dục tiên tiến thì trước hết phải có đội ngũ nhà giáo tiên tiến
Là một người dân Hà Nội gốc, một đảng viên lâu năm, nhà giáo lão thành của Thủ đô, tôi hết sức vinh dự được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Đây là sự ghi nhận của TP đối với không chỉ cá nhân tôi mà quan trọng hơn là ghi nhận về những đóng góp của những tập thể sư phạm mà từ đó tôi đã trưởng thành, những tập thể nhà giáo hết sức tận tâm, sáng tạo với sự nghiệp giáo dục Thủ đô.
Nghị quyết của Thành ủy chủ trương đưa giáo dục Thủ đô đi đầu cả nước và đạt chất lượng tiên tiến trong khu vực, nên rất cần có giải pháp để đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bản thân tôi cùng đồng nghiệp đang tích cực tham gia đóng góp làm sao đưa những phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước để bồi dưỡng cho đội ngũ thầy cô giáo. Hà Nội muốn có một nền giáo dục tiên tiến thì trước hết phải có đội ngũ tiên tiến. Tôi mong TP làm sao có những chính sách đặc thù để làm tốt từ việc đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng, đãi ngộ đội ngũ thầy cô giáo, để thực sự đội ngũ này ở Thủ đô có thể sống được bằng nghề của mình.
Về phía TP, nên có cơ chế hỗ trợ: Đầu tiên, các trường học là nơi tạo ra chất lượng giáo dục nên họ phải được tự chủ - từ tuyển dụng đến tài chính, để họ chủ động làm nên chất lượng. Vì thế, cũng cần một đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… không chỉ được bồi dưỡng mà phải qua tuyển chọn để có được người thực sự xứng đáng. Nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo có chế độ lương riêng cho họ, vì họ sống bằng nghề dạy học thì không thể “xếp hàng” như lương của lĩnh vực hành chính hiện nay - như thế không thể đảm bảo đời sống.
Chúng tôi cũng mong đưa ra những phương pháp giáo dục tiên tiến để chăm sóc các thế hệ trẻ của Thủ đô, để họ được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Tôi hết sức kỳ vọng vào thế hệ trẻ Thủ đô, nhưng có một điều là các bạn đó cần thay đổi suy nghĩ. Hiện nay các bạn rất thông minh, sáng tạo, nhưng ý thức tự lập chưa cao. Các bạn rất cần có ý thức vượt khó và đặc biệt phải có tư tưởng khởi nghiệp, không thể chỉ dựa vào gia đình và Nhà nước. Mỗi người hãy bằng cách riêng để phát huy được năng lực cá nhân của mình, học tập trau dồi tích cực hơn nữa, để cá nhân mình tham gia đóng góp cho Thủ đô, cho hạnh phúc của mỗi gia đình và chính bản thân mỗi người.
NSND Chu Thúy Quỳnh - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015: Nguyện mãi là một người con Hà Nội với tất cả tình yêu và niềm tự hào.
Ông nội tôi lúc sinh thời là người dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì luôn dạy dỗ, bảo ban tôi về những tính nết, tác phong của người Hà Nội. Là một người Hà Nội, tất cả tình cảm, tâm huyết đối với Hà Nội không lúc nào ngơi nghỉ trong tôi. Hơn 60 năm qua, tôi luôn tự nhủ, dù đi đâu làm gì cũng không thể bỏ Hà Nội. Kể cả đối với các hoạt động giao lưu thể thao văn hóa trong nước và quốc tế, từ Tiger Cup, Seagames 22, sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…, tôi đều tâm huyết tham gia, chính vì vậy nên tôi luôn giữ được trong mình một tình yêu đối với Hà Nội, đối với nghề nghiệp của mình.
Vinh dự khi không chỉ được dự ĐH Thi đua yêu nước TP lần này mà còn được TP trao danh hiệu cao quý Công dân Thủ đô ưu tú, cũng đúng vào dịp sinh nhật vào tháng 10 này nên bản thân tôi rất vui. Hơn nữa, vừa tháng 5/2015, mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (tôi có 2 em trai đi bộ đội đã hy sinh). Thế nên, cảm giác của tôi không chỉ là tự hào mà còn rất xúc động, khi mà tôi và gia đình đã góp được những phần nhỏ bé cho Thủ đô và ngược lại, tôi được Thủ đô ghi nhận, trao cho những vinh quang. Tôi nguyện mãi mãi là một người con Hà Nội với tất cả tình yêu và niềm tự hào. Tuổi không còn trẻ nếu còn làm gì được cho Hà Nội, được Thủ đô yêu cầu thì tôi sẵn sàng cống hiến. Với vị thế Hà Nội là trái tim của cả nước, tôi cũng mong riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Thủ đô quan tâm nhiều hơn nữa để có những tác phẩm tiêu biểu của Hà Nội, về con người Hà Nội.
Đại biểu Đỗ Thị Phúc - Tổ trưởng phụ nữ Tổ dân phố số 7 phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm): Mong ngày càng nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực hơn tới tận cơ sở
Lần đầu tiên được đi dự ĐH Thi đua yêu nước TP và cũng là đại biểu duy nhất của phường Cửa Đông, tôi rất hồi hộp, phấn khởi và vô cùng vinh dự. Bản thân tôi từ khi tham gia công tác tại vị trí kế toán của Tổng cục Dự trữ Quốc gia đến nay khi đã về hưu làm công tác đoàn thể, tôi đã có những đóng góp nhỏ bé vào phong trào thi đua nói chung của đơn vị, của địa phương và vinh dự được nhận Huy chương chống Mỹ cứu nước, Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn, Huy chương ngành tài chính Việt Nam và nhiều Kỷ niệm chương khác…
Tôi cảm nhận thấy phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô thời gian gần đây có rất nhiều phong trào rất tốt, tác động đến sâu rộng quần chúng và được nhiều tầng lớp Nhân dân hưởng ứng. Để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, tôi mong TP cần đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực hơn tới tận cơ sở. Ví dụ, những phong trào như của hội phụ nữ phường tôi chỉ đơn giản là không xả rác ra đường, đổ rác đúng nơi quy định. Cứ hàng sáng, chị em phụ nữ chúng tôi đều đi kiểm tra vệ sinh đường phố… Hiện không chỉ phụ nữ mà nhiều đoàn thể khác tại địa phương rất nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua, tham gia vào những việc nhỏ nhất như vào từng nhà người dân để vận động họ tham gia phong trào, từ đó cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, tôi cũng có một điều băn khoăn là, hiện hầu như các cán bộ đoàn thể chưa được hưởng phụ cấp gì. Giá như có thêm phần nhỏ phụ cấp để chị em tích cực tham gia hơn thì cũng rất tốt cho các phong trào thi đua tại cơ sở.
Đại biểu Phạm Quốc Oanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Thanh Xuân: Công tác thi đua cần hết sức chú trọng tính “toàn dân”
Qua nhiều lần được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước TP, đến lần này cảm xúc của tôi rất khác. So với trước đây, phong trào thi đua hiện nay đã được đổi mới rất nhiều, nhất là sau khi có chỉ thị của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Đối với Hà Nội, nét mới năm 2015 là phong trào có sức lan tỏa rất lớn tới tất cả các cấp, các ngành, các cơ sở, với nhiều nhân tố mới trong đội ngũ công chức, hội viên các hội đoàn thể... Nhất là năm nay, trong bối cảnh diễn ra ĐH Đảng các cấp, trước thềm ĐH Đảng bộ TP lần thứ XVI tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII, nên không khí của ĐH thi đua rất khác, và sự lan tỏa của phong trào thi đua cũng rất mạnh mẽ. Cũng do công tác tuyên truyền rất sâu rộng, tạo được khí thế; nhất là công tác tổ chức có nhiều tiến bộ, chặt chẽ hơn, quy mô hơn, các tài liệu để tuyên truyền cũng phong phú hơn.
Đối với Hội Cựu chiến binh quận Thanh Xuân, phong trào thi đua rất sôi nổi, Hội luôn là đơn vị trong top đầu của TP, nhiều năm được các cấp khen thưởng, đóng góp nhiều vào phong trào thi đua của TP nói chung và quận nói riêng. Trong đó, một đóng góp nổi bật của cựu chiến binh quận là tích cực tham gia công tác xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền, đặc biệt trong năm 2015, Hội thường xuyên động viên cán bộ, hội viên đóng góp vào thành công của ĐH Đảng các cấp, bằng các hoạt động: Tổ chức các chương trình thi đua tuyên truyền về ĐH, tham gia ý kiến xây dựng các dự thảo văn kiện các cấp, tham gia giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Từ thực tế triển khai tại cơ sở, theo tôi, phong trào thi đua thời kỳ hiện nay càng cần quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về thi đua yêu nước, phải rộng khắp và lấy nhiệm vụ chính trị của địa phương làm mục tiêu thi đua. Đặc biệt, thi đua phải hết sức chú trọng tính toàn dân trong đó. Cụ thể là những năm trước, khi bình xét thi đua thì nhiều đơn vị chỉ chú trọng đối tượng cán bộ mà không “để ý” đến những người chiến sỹ hay người dân, người lao động bình thường. Nhưng, rõ ràng năm nay đã khác. Và tôi hy vọng rằng những năm tới, TP vẫn theo hướng này để phong trào thi đua phát triển rộng rãi và mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.
Đại biểu Đinh Tuấn Hoàng - cựu học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam: Để đóng góp nhiều cho Thủ đô và đất nước, trước hết cần học tốt nghề được đào tạo
Năm học 2014-2015 là học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, tôi đã hoàn thành chương trình THPT và đã đoạt Huy chương Vàng trong Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 47 tổ chức tại Azecbaizan. Hiện đã là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Hà Nội, thật là một vinh dự lớn cho tôi ngày hôm nay là một đại biểu trẻ tuổi được đại diện cho hơn 2.000 học sinh trường Hà Nội-Amsterdam tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TP, được chia sẻ những cảm nghĩ về quá trình học tập và phấn đấu rèn luyện của bản thân.
Ngay từ nhỏ, tôi đã cảm thấy vô cùng thích thú với sự kỳ diệu của cơ thể con người. Tôi tin rằng điều này đã dẫn dắt tôi tới ngành y, một ngành đòi hỏi rất nhiều đức tính bền bỉ và sự hy sinh. Khi trao đổi về quá trình học tập, có một số người đã thắc mắc về phương pháp học tập của tôi. Bản thân tôi nhận thấy rằng, bí quyết duy nhất để đạt thành công là sự đam mê và nỗ lực. Với hai điều này, tôi nghĩ bất kể ai cũng sẽ đạt được thành công trong học tập và công việc của mình. Với bản thân, để có thể đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, tôi cho rằng trước hết mình phải nỗ lực học thật tốt nghề nghiệp mà mình đang được đào tạo.