Từ năm 2008 đến 2014, việc phân cấp quản lý và cấp giấy phép kinh doanh được UBND TP phân định cho các quận, huyện, thị xã dựa trên quy hoạch karaoke của từng địa phương theo Quyết định 51/2008/QĐ-UBND. Thế nhưng, sau 6 năm thực hiện, quy định bỗng chốc bị yêu cầu tạm dừng, công tác quản lý kinh doanh karaoke ở nhiều địa bàn bị rơi vào thế khó xử.
Quận, huyện hoang mang
Tại Công văn số 1596/SVHTTDL-QLVH, Sở VHTT&DL Hà Nội đưa ra đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây tạm thời chưa cấp giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý từ 26/5/2014. Lý do là vì tại Quyết định 12/2014/QĐ-UBND của UBND TP ban hành kèm theo Quyết định 11/2011/QĐ-UBND phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, chưa rõ việc phân cấp giấy phép kinh doanh karaoke. Theo công văn báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng, từ năm 2011, 28 quận, huyện và thị xã Sơn Tây thực hiện chức năng quản lý cấp giấy phép kinh doanh karaoke được phân cấp tại Quyết định 51/2008/QĐ-UBND. Riêng huyện Mê Linh có văn bản kiến nghị không thực hiện cấp giấy phép do không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Việc “lên tiếng” bất ngờ của Sở VHTT&DL Hà Nội sau 6 năm vấn đề cấp phép đang thực hiện trôi chảy đã tạo tâm lý hoang mang cho cán bộ văn hóa các quận, huyện, thị xã.
Tại các quận, huyện có nhu cầu phát triển mạnh mẽ loại hình dịch vụ văn hóa này như: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ…, cán bộ quản lý văn hóa luôn gặp câu hỏi thường trực: “Bao giờ giấy phép kinh doanh karaoke mới được cấp trở lại?”. Thậm chí, nhiều chủ cơ sở thuê luật sư, tìm hiểu rõ các điều luật để tạo phản ứng mạnh với quận, huyện: Vì sao không cấp phép khi có đầy đủ các điều kiện về giấy đăng ký kinh doanh, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự…, chúng tôi sẽ kiện ngược cơ quan quản lý vì làm sai luật. Trong năm 2014, tại quận Cầu Giấy có 9 cơ sở kinh doanh karaoke không phép. Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi không được cấp phép, 9 cơ sở này đã phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang mục đích kinh doanh khác. Tương tự, ở huyện Chương Mỹ, con số kinh doanh karaoke không phép đã lên đến 42 cơ sở.
Các cơ sở hoạt động trong tình trạng không giấy phép, lúc nào cũng thấp thỏm nỗi lo sẽ bị thanh tra liên ngành hoặc công an ập đến xử phạt. Đó là chưa kể, nhiều cơ sở liên tục sử dụng thêm 2 - 3 nhân lực bảo vệ, xe ôm “vệ tinh” dòm ngó các lực lượng thanh, kiểm tra. Chính vì vậy, thanh tra liên ngành muốn phát hiện sai phạm chỉ có thể đến bằng xe biển trắng, cải trang như khách đi hát.
Đại diện một cơ sở kinh doanh karaoke không phép ở quận Đống Đa cho biết: “Vì không có giấy phép, nên quán chúng tôi hoạt động rất phập phù, biển bảng không dám chăng cao. Nhiều hôm khách đang hát cũng bị yêu cầu tạm dừng vì nghi có đoàn nên họ cũng tự ái không quay lại. Cứ kinh doanh kiểu này chắc chúng tôi chỉ còn nước bán cơ sở đã được đầu tư tiền tỷ này!”.
Sốt ruột chờ được cấp phép trở lại
Có thể nói, hơn nửa năm nay cán bộ văn hóa, công an quản lý địa bàn cũng sốt ruột không kém người kinh doanh, mong chờ “lệnh” cho cấp phép trở lại. Bởi “nhìn người dân bỏ tiền đầu tư mà không được cấp phép chúng tôi cũng đau lòng. Đó là chưa kể địa bàn có cửa hàng kinh doanh karaoke không phép là cán bộ phải chịu trách nhiệm, phong trào thi đua của cơ sở cũng bị ảnh hưởng” - bà Khúc Thị Bạch Liên – Trưởng Công an phường Phúc La, quận Hà Đông chia sẻ với đoàn thanh tra văn hóa TP trong đợt thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke tại địa bàn.
Thêm vào đó, hiện mạng lưới các cửa hàng karaoke phát triển còn vươn xa mới đến quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020. Tại quận Hoàn Kiếm, theo quy hoạch sẽ có 150 cơ sở kinh doanh karaoke vào năm 2020, nhưng hiện tại chỉ có 32 cơ sở đang hoạt động; không có vũ trường; không có karaoke trong các cơ sở lưu trú xếp hạng sao… So với cùng kỳ năm 2013, dịch vụ karaoke ở quận Hoàn Kiếm giảm 5 cơ sở. Tại quận Ba Đình, từ năm 2007 đến nay, 12 cơ sở karaoke đã chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, số cơ sở đang hoạt động cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với quy hoạch (28/118 cơ sở). Với những quận, huyện mà những năm trước dịch vụ kinh doanh karaoke phát triển mạnh như: Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân; thì nay cũng đã “giảm nhiệt”. Ở các huyện ngoại thành, con số tiến mốc quy hoạch còn thê thảm hơn: huyện Ba Vì mới đạt gần 70% quy hoạch; Gia Lâm gần 30%; Sóc Sơn hơn 30%...
Trước nhu cầu phát triển chưa đạt mức mong muốn, nhiều hộ kinh doanh gây khó dễ, các quận, huyện đã khẩn thiết mong ngành văn hóa và UBND TP “gỡ rối” trong việc quản lý loại hình dịch vụ luôn được liệt vào hàng “nhạy cảm” này.
(còn nữa)
Quản lý hoạt động karaoke, vũ trường kiến nghị chỉ cấp phép 2 năm một lần. Ảnh: Quỳnh Anh
|