Moscow cảnh báo cứng rắn đối với Hàn Quốc và Nhật Bản

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Nga cảnh báo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu trừng phạt Moscow hay viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, Bộ Ngoại giao Nga hôm 27/12 tuyên bố nước này sẽ có biện pháp trả đũa đối với Hàn Quốc khi quốc gia châu Á thông báo kế hoạch hạn chế xuất khẩu hàng hóa cho Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Nga sẽ có hành động đáp trả việc Seoul mở rộng danh mục hàng hóa hạn chế xuất khẩu.

Quan chức Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Đây là một hành động không thân thiện và đi ngược lại cam kết đã tuyên bố của phía Hàn Quốc trong việc duy trì quan hệ mang tính xây dựng với Nga. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Chúng tôi có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả và không nhất thiết phải là các biện pháp tương xứng. Họ không có gì phải ngạc nhiên nếu chúng tôi làm vậy".

Trong tuần này, Bộ Công thương và Năng lượng Hàn Quốc thông báo bổ sung 682 loại hàng hóa vào danh mục hàng bị kiểm soát xuất khẩu sang Nga và Belarus từ năm 2024.

Theo đó, danh mục hàng hóa kiểm soát xuất khẩu sang Nga và Belarus sẽ tăng lên 1.159 chủng loại, bao gồm thiết bị xây dựng hạng nặng, pin, linh kiện hàng không và một số ô tô.

Cùng ngày, Nga cũng chỉ trích việc Nhật Bản quyết định gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 cho Mỹ và cảnh báo rằng động thái này sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa Moscow và Tokyo, đặc biệt nếu đạn dược được chuyển tới Ukraine. 

Theo đài RT, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ở Moscow hôm 27/12, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, động thái của Nhật Bản chắc chắn sẽ gây tổn hại cho sự ổn định trong khu vực cũng như toàn cầu.

Bà Zakharova lưu ý thêm, ngoài việc vi phạm các nguyên tắc riêng của đất nước đã được quy định trong hiến pháp, chính quyền Tokyo đang mất quyền kiểm soát vũ khí của chính mình khi Washington di chuyển chúng đến  những khu vực họ thấy phù hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo, nếu tên lửa phòng không PAC-3 của Nhật Bản được chuyển tới Ukraine, điều này sẽ tác động nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Moscow và Tokyo.

Tuần trước, chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio đã đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa Patriot PAC-3, vốn được nước này sản xuất theo giấy phép của Mỹ, cho Washington sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu quân sự.

Nhật Bản hồi tuần trước đã đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 cho Mỹ.  Ảnh: Getty
Nhật Bản hồi tuần trước đã đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 cho Mỹ.  Ảnh: Getty

Theo quy định trước đây, Nhật Bản chỉ được phép xuất khẩu linh kiện vũ khí và bị cấm giao sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay Tokyo có thể xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh sang các quốc gia có trụ sở của các chủ sở hữu bằng sáng chế. 

Thủ tướng Kishida tuyên bố sau khi nội các đồng ý hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí: "Khi quyết định như vậy, chúng tôi hy vọng góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, đồng thời đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản lưu ý "nguyên tắc của chúng tôi với tư cách là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình không thay đổi". 

Mặc dù hệ thống tên lửa phòng không do Nhật Bản sản xuất dự kiến sẽ không được chuyển thẳng đến Ukraine, nhưng quy định này sẽ giúp Mỹ bổ sung kho vũ khí vốn đã bị suy giảm sau nhiều đợt viện trợ cho Kiev. Ngoài ra, các quy định được nới lỏng sẽ tạo cơ hội để Washington cung cấp hệ thống tên lửa Patriot của mình cho Kiev và các đối tác ở châu Âu. Điều này có nghĩa Ukraine sẽ được hưởng lợi gián tiếp.