Nga cảnh báo việc Mỹ hỗ trợ Ukraine và triển khai hạt nhân ở châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow tuyên bố sẽ đáp trả trước mối đe dọa từ các loại vũ khí hạt nhân được Washington triển khai ở châu Âu, đồng thời cảnh báo Mỹ đang 'đổ thêm dầu vào lửa' khi liên tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Xinhua
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Xinhua

Tass ngày 27/10 đưa tin, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng chính quyền Washington đã quyết định tiếp tục cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Kiev trong bối cảnh “căng thẳng quốc tế leo thang chưa từng có”.

Bình luận về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa công bố gói viện trợ quân sự bổ sung 150 triệu USD cho Ukraine, Đại sứ Antonov nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 150 triệu USD được Mỹ thông báo vào ngày 26/10 nhằm đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm vũ khí phòng không và chống tăng”.

Đồng thời, nhà ngoại giao Nga chỉ trích, các hành động này của Mỹ trên trường quốc tế “giống như đổ thêm dầu vào lửa hơn là nỗ lực chống lại sự kích động và lan rộng của các cuộc xung đột đẫm máu”.

Trước đó, hôm 26/10, tờ Uukrinform cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 150 triệu USD nhằm trang bị cho Ukraine thêm lượng lớn đạn dược, tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng.

Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự thứ 49 dành cho Ukraine bao gồm đạn bổ sung cho các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, tên lửa phòng không vác vai Stinger và đạn dược bổ sung cho các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ mới nhất còn có hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, hơn 2 triệu viên đạn cho các loại vũ khí hạng nhẹ và thiết bị chống thời tiết giá lạnh.

Washington đã viện trợ cho Kiev tổng cộng gần 44 tỷ USD kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Trước đó, hôm 26/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, nước này sẽ đáp trả trước mối đe dọa từ các loại vũ khí hạt nhân được Mỹ triển khai ở châu Âu.

Theo đài RT, phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Minsk, Belarus, Ngoại trưởng Lavrov tiếp tục chỉ trích kế hoạch chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo kế hoạch, một phần kho vũ khí hạt nhân của Washington được đặt ở nước ngoài, và các đồng minh của Mỹ được đào tạo về cách triển khai loại vũ khí này. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Minsk hôm 26/10. Ảnh: Sputnik
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Minsk hôm 26/10. Ảnh: Sputnik

Theo ông Lavrov, thỏa thuận trên đã tạo ra “những rủi ro chiến lược ngày càng gia tăng”, đồng thời “buộc Nga phải sử dụng các biện pháp đáp trả trước những mối đe dọa chung ngày càng tăng từ NATO”.

Hàng chục quả bom hạt nhân của Mỹ hiện đang được đặt tại Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước NATO khác không lưu trữ bom hạt nhân của Mỹ như Ba Lan cũng đã được đào tạo về cách sử dụng vũ khí. Nga  cáo buộc động thái này là một hình thức phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng các quốc gia phương Tây đang tiến hành "một cuộc chiến hỗn hợp” chống lại Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraine hiện là công cụ chính trong tay Mỹ và các đồng minh của Washington. 

Trong một diễn biến liên quan, Điện Kremlin ngày 25/10 thông báo Bộ Quốc phòng Nga đã thực hiện cuộc tập trận với sự tham gia của 3 lực lượng trong tam giác hạt nhân chiến lược gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.

Tổng thống Vladimir Putin đích thân giám sát cuộc tập trận này và tham gia điều phối tại Trung tâm Tác chiến quốc phòng tại Moscow.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, cuộc tập trận tập trung vào việc "mô phỏng một cuộc tập kích quy mô lớn để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của lực lượng đối địch".

Đài RT đưa tin, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars đã bắn trúng mục tiêu cách bãi phóng 5.700 km, trong khi tàu ngầm Tula phóng một tên lửa đạn đạo Sineva từ biển Barents. Ngoài ra, máy bay Tu-95MS phóng một số tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không thử nghiệm hạt nhân trừ khi Mỹ làm điều đó trước. Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) hôm 24/10 đã thông qua dự luật rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).