Theo hãng tin Tass, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), ông Leonid Slutsky, ngày 29/1 cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang leo thang cuộc chạy đua vũ trang không phải vì hòa bình hay các cuộc đàm phán mà để tiếp tục đấu tranh địa chính trị chống lại Nga.
Trong một tuyên bố đăng tải trên Telegram, nghị sĩ Nga viết: "Chúng ta nên hiểu rõ rằng NATO đang tập hợp hàng ngũ của mình và làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang không phải vì hòa bình và đàm phán, hay “đấu tranh cho tự do”, mà là để tiếp tục đối đầu địa chính trị với Nga. Tuy nhiên, “những trò chơi cố chấp” như vậy với một cường quốc hạt nhân là cực kỳ nguy hiểm và là mối đe dọa đối với tất cả mọi người".
Ông Slutsky lưu ý thêm rằng phương Tây đang gửi "những tín hiệu mang tính cạnh tranh khá rõ ràng". Một mặt họ nói rằng không muốn gây leo thang cuộc xung đột ở Ukraine và phản đối việc lôi kéo NATO vào cuộc xung đột hiện tại, mặt khác các quan chức NATO khẳng định khối này đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. "Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock từng nói về cuộc chiến chống lại Nga, song không có bất cứ sự phản đối nào từ châu Âu vào thời điểm bà đưa ra bình luận đó” - ông Slutsky nhấn mạnh.
Ông Slutsky cho biết: “Gần như tất cả các quốc gia NATO đang tham gia vào quá trình gây leo thang cuộc xung đột, theo cách này hay cách khác, thông qua cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine. “Trên thực tế, họ đang nhúng tay vào cuộc xung đột ở Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thừa nhận điều đó hay không".
Tuyên bố trên được lãnh đạo Ủy ban đối ngoại Duma Nga đưa ra sau khi Đức và Mỹ nhất trí cung cấp hàng chục xe tăng cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 25/1 tuyên bố sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams tiên tiến trong vài tháng tới cho Ukraine. Cùng ngày, chính phủ Đức cũng thông báo quyết định gửi 14 xe tăng Leopard 2A6 tới Ukraine. Ngoài ra, Berlin sẽ cho phép các nước khác tái xuất xe tăng Leopard 2.
Trong một diễn biến liên quan, tờ La Stampa của Italia ngày 28/1 đăng kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 52% số người Italia được hỏi ý kiến phản đối việc cung cấp vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất cho Ukraine.
Cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Euromedia Research thực hiện ngày 24/1, trong đó 68,5% người trả lời phản đối NATO can thiệp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi có 16,2% ủng hộ.
Theo cuộc khảo sát, 32,5% số người được hỏi tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Ukraine đều chấp nhận. Khoảng 24,9% cho rằng hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ giảm dần.
Có 33,9% người được hỏi trả lời rằng cần phải hỗ trợ Ukraine bằng xe tăng Leopard do Đức sản xuất, trong khi 58% không tán thành ý kiến này. Trong khi đó, đại đa số người trả lời (78,2%) tin rằng cuộc xung đột Ukraine rất xa vời với họ.