“Sống khỏe” nhờ trồng rau
Vừa xuất bán cho thương lái hàng ngàn cây súp lơ các loại, ông Nguyễn Xuân Đào, ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức phấn khởi cho biết, gia đình ông có một mẫu RAT, lứa vừa qua, ông trồng 13.000 cây súp lơ, với giá bán 5.000 đồng/cây, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi trên 50 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Đào mà cả ngàn hộ dân ở Văn Đức đều có thu nhập khá nhờ trồng rau. Nhiều hộ xây được nhà cao tầng khang trang, trang bị tiện nghi đầy đủ, hiện đại, mức sống được nâng cao.
Hiện nay, toàn xã Văn Đức có 285ha đất nông nghiệp, trong đó có 250ha sản xuất RAT và trở thành vùng RAT lớn nhất TP. Rau Văn Đức phong phú với nhiều loại từ rau ăn lá đến rau, củ, quả, phần lớn phục vụ nhu cầu rau xanh của TP. Mỗi ngày có hàng chục xe tải về thu mua rau với khoảng 35 – 40 tấn. Khoảng 70% RAT của Văn Đức được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP, còn lại là tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác. Trung bình mỗi năm, Văn Đức xuất ra thị trường trên dưới 20.000 tấn rau các loại.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ nhiệm HTX Văn Đức cho biết, là xã nằm ở ngoài bãi nên địa phương không có đất cấy lúa, trước đây, người nông dân chỉ trồng rau màu thuần túy nên thu nhập thấp. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển sang trồng RAT và được TP đầu tư xây dựng vùng sản xuất RAT trọng điểm nên đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt, bởi mỗi héc ta rau cho doanh thu trên dưới 400 triệu đồng. Không những thế, hiệu quả từ cây rau mang lại còn giúp địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí thu nhập.
Sản xuất theo hướng bền vững
Sản phẩm rau của Văn Đức khi ra thị trường được bao gói trong túi nilon, trọng lượng từ 1 - 10kg, được gắn tem nhãn và ghi rõ xuất xứ, vì vậy, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Trong số này, có nhiều loại rau được thị trường ưa chuộng như bắp cải, súp lơ, mướp đắng, cà tím, đỗ trạch... Đặc biệt, rau cải thảo được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, sản phẩm RAT Văn Đức ngày càng tạo được uy tín và đứng vững trên thị trường, bởi địa phương không chỉ làm tốt công tác tiếp thị, giới thiệu sản phẩm mà còn nghiêm túc tuân thủ quy trình sản xuất RAT.
Để giúp người nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất RAT cho năng suất, chất lượng cao, thời gian qua, TP đặc biệt quan tâm công tác tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân. Các hộ trồng rau được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tận tình hướng dẫn, giúp đỡ qua các lớp tập huấn về sản xuất RAT, sản xuất theo VietGAP, phòng trừ dịch hại IPM... Theo đó, mỗi hộ sản xuất đều được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...).
Thực tế hiện nay, nhiều mô hình sản xuất RAT vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhưng đối với RAT Văn Đức, "đầu ra" đã không còn là mối lo, bởi người dân nơi đây đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn do cứ đến vụ thu hoạch rộ lại xảy ra tình trạng thương lái ép giá. Mặt khác, mặc dù vùng RAT Văn Đức nằm trong quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT Hà Nội đến năm 2020 nhưng hiện nay, vùng sản xuất RAT vẫn thiếu nguồn nước tưới sạch. Vì vậy, người dân địa phương mong muốn được TP tiếp tục đầu tư xây dựng trạm bơm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ việc trồng rau.