Tạo không khí sôi động giờ học
Đổi mới phương pháp dạy học là điều không chỉ lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm, mà những giáo viên tâm huyết với nghề cũng luôn hướng tới. Các thầy cô cho rằng, sự sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp sẽ tạo sinh khí cho tiết học, giúp học sinh (HS) cảm thấy "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Phan Huy Chú cho biết, sinh khí là sức sống của mỗi tiết học. Sinh khí cần được nhìn nhận như bảo bối để bài học cuốn hút và đọng lại với học trò. "Hãy để các em tham gia vào bài giảng sẽ giúp các em có vai trò trong lớp học. Trang bị cho các em sự tự tin vì được thầy cô tôn trọng, lắng nghe" - cô Kim Anh chia sẻ.
Các thày, cô giáo đã trao đổi thẳng thắn trong buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Anh
Cô Ngô Thị Thành, giáo viên môn Lịch sử coi sinh khí là "mắt xích đầu tiên". Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy môn Tin học lại cho rằng: "Đó là cái đạt đến sau cùng với một sơ đồ minh chứng đầy thuyết phục". Cũng có cô giáo cho rằng, sinh khí trong giờ học là một sự "tiếp lửa" cho học trò.
Dù được hiểu theo nhiều cách, song 100% giáo viên đều thừa nhận, sinh khí là điều không thể thiếu trong mỗi giờ lên lớp. Nhiều giáo viên trường THPT Phan Huy Chú ghi nhận, phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và CVĐ "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã tiếp lửa nhiệt huyết để giáo viên tiếp tục sáng tạo trong giảng dạy.
Nói như cô Nguyễn Kim Anh: "Từ nội dung, phương pháp, đến năng khiếu đều cố gắng sáng tạo. Ngày nào lên lớp cũng là ngày thử việc, học trò là người thử nghiệm sản phẩm, và giáo viên sáng tạo trong bài giảng để học trò không cảm thấy bài học nhàm chán. Chúng tôi luôn cố gắng như nghệ sĩ sân khấu đêm nào cũng có bản diễn mới tuyệt vời nhất, luôn học hỏi, sáng tạo không ngừng để có được vương miện của trí tuệ".
Luôn đổi mới cách làm
Thực tế, sinh khí của giờ học không chỉ được "nói" trong các cuộc bàn tròn kiểu này, mà Ban Giám hiệu trường Phan Huy Chú đã có nhiều đổi mới về cách làm.
Cụ thể là hàng tháng trường đều trưng cầu ý kiến HS về cách dạy của giáo viên, về bản thân giáo viên. Việc làm này cho thấy phần nào sự tin yêu, trân trọng mà HS dành cho từng giáo viên trong trường.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã tiến hành nhiều thay đổi trong cách tiếp cận CVĐ "Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Việc làm này giúp nhà trường quán triệt nhận thức cho giáo viên một cách dễ dàng hơn, hiệu quả và cụ thể hơn. Nhà trường còn tổ chức lấy ý kiến HS và tôn vinh giáo viên theo từng giai đoạn. Đến nay đã hoàn thành 7 giai đoạn và đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 8.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc triển khai CVĐ mỗi thầy cô, giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo của trường THPT Phan Huy Chú. Đây là bài học quý với các trường THPT trong cả nước trong quá trình triển khai thực hiện phong trào.
Trước buổi tọa đàm, Tuần văn hóa Tri ân với chủ đề "Hướng về nguồn cội" đã khai mạc tại trường THPT Phan Huy Chú. Tuần lễ diễn ra từ 11 - 18/4 là sáng kiến của trường nhằm tri ân các thế hệ đi trước. Ý nghĩa của Tuần Văn hóa Tri ân không chỉ dừng lại ở một tuần hay một năm học mà còn có ý nghĩa động viên, khích lệ lâu dài. Tại Lễ khai mạc, HS nhà trường đã tham gia cuộc thi "Tự hào nguồn cội" với các nội dung: Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch; hoạt động ngoại khóa "Thanh niên với truyền thống và hội nhập quốc tế"; thi tìm hiểu lịch sử "Tự hào nguồn cội"... |