Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một định hướng đúng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đang thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 (Tháng hành động) được tổ chức từ 15/11 đến 15/12 hằng năm.

Lễ phát động Tháng hành động trên toàn quốc năm nay đã diễn ra tại Quảng Ngãi ngày 9/11 vừa qua. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND, triển khai thực hiện Tháng hành động trên địa bàn TP năm 2019.
Tháng hành động năm 2019 với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" là điểm nhấn trong công tác bình đẳng giới của năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Một trong những định hướng quan trọng của việc thực hiện chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới của Hà Nội năm 2019 là đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động ở cấp cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc ít người.
Có thể nói đây là một định hướng đúng đắn, cần thiết xuất phát từ thực tiễn công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nhiều năm qua. Chúng ta đều biết, đây là năm thứ tư Tháng hành động được thực hiện. Cũng đã hơn 10 năm, Luật Bình đẳng giới có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện bình đẳng giới những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến rõ nét. Điều đó đã thể hiện qua việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những con số về tỷ lệ phụ nữ làm chủ DN (đạt 27,8% năm 2018, cao nhất khu vực Đông Nam Á) hay tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 (27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu)… là những ví dụ điển hình của sự chuyển biến đáng ghi nhận ấy.
Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, bên cạnh những thành tựu nói trên, công tác bình đẳng giới vẫn cần tiếp tục thực hiện ở một phạm vi xã hội rộng lớn hơn, với các đối tượng đông đảo hơn là phụ nữ nông thôn, phụ nữ nhập cư tại các TP lớn, phụ nữ làm các công việc tự do như buôn bán nhỏ, giúp việc gia đình, lao động giản đơn… Đặc biệt, với chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" thì những đối tượng này càng cần được quan tâm hơn nữa.
Nói vậy là bởi, cũng tương tự như ở một số lĩnh vực khác, lâu nay công tác truyền thông về bình đẳng giới phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái dường như được chú trọng nhiều hơn với các đối tượng là cán bộ, công nhân, viên chức, người dân đô thị… mà nhiều khi chưa tới được với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bà con vùng dân tộc thiểu số, những đối tượng do một số nét đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa… rất cần được hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức, hành động đúng đắn về bình đẳng giới nói chung và phòng, chống bạo lực nói riêng.
Có lẽ cũng bởi vậy mà dù Luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực hơn 10 năm, 2019 cũng là năm thứ tư toàn xã hội thực hiện Tháng hành động, nhưng việc phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn đang là chủ đề cần quan tâm đặc biệt của công tác bình đẳng giới.
Chúng ta đều biết, bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Ở chiều ngược lại, chấm dứt những hành vi bạo lực với phụ nữ, trẻ em cũng là cơ sở để thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới.
Bởi bạo lực trên cơ sở giới không chỉ để lại hậu quả tiêu cực trong thời điểm nó diễn ra mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho chính người bị bạo lực và những người sống chung trong môi trường có hành vi bạo lực. Điều đó tạo ra những rào cản cho việc thực hiện bình đẳng giới.
Hy vọng rằng, với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" của Tháng hành động năm nay, việc chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đơn vị… thực hiện các hoạt động truyền thông được đề ra trong Kế hoạch số 214/KH-UBND theo phương châm hướng tới cộng đồng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc ít người… sẽ đạt kết quả thiết thực, tiếp tục tạo ra những chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trên địa bàn Thủ đô.