Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một mô hình hợp tác đào tạo hay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nhà trường đã có những bước đi đột phá là thành lập các trung tâm huấn luyện để nâng cao tay nghề cho sinh viên (SV) trước khi ra trường. Nhờ vậy, SV sau khi tốt nghiệp hiện nay chỉ mất khoảng 12 tháng tập sự, thay vì 24 - 36 tháng như trước đây” - TS Phạm Xuân Dương - Phó Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết.

Không những thế, với việc thành lập Trung tâm Thuyền viên (VICMAC) đã tuyển dụng, huấn luyện được gần 700 sĩ quan, thuyền viên, trong đó có nhiều SV tốt nghiệp từ trường. Cùng với đó, Công ty liên doanh Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ hàng hải (VINIC) đã huấn luyện cho cả nước gần 7.000 sĩ quan hàng hải đạt tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời tuyển dụng, huấn luyện và quản lý trên 500 sĩ quan, thuyền viên đạt trình độ quốc tế, phần lớn trong số đó tốt nghiệp ĐH Hàng hải… TS Phạm Xuân Dương khẳng định, để đạt được những con số này, ĐH Hàng hải đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu tổ chức, nhân sự; thành lập các công ty, trung tâm trực thuộc sự quản lý của nhà trường; hợp tác chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, các DN có nhu cầu sử dụng SV tốt nghiệp của trường. Ngoài ra, trường cũng liên kết với các DN trong và ngoài ngành GTVT (cả trong nước và quốc tế) để tìm hiểu nhu cầu và khả năng đáp ứng của trường trong việc phối hợp nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ chuyên gia. Song song với đó là thu hút và triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, các dự án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH…

Nói về sự gắn kết với đơn vị tuyển dụng, TS Phạm Xuân Dương cho hay: “Ngoài việc hỗ trợ các nhà sử dụng lao động tiếp cận và phỏng vấn, tuyển dụng SV tốt nghiệp, trường thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, hội nghị khách hàng, hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó, chúng tôi trực tiếp lắng nghe những góp ý từ phía cơ sở sản xuất, SV nhằm rút kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, huấn luyện để đáp ứng được yêu cầu cụ thể và thiết thực của nhà tuyển dụng”. Thực tế, các công ty, trung tâm thuộc ĐH Hàng hải đã mang lại nguồn thu đáng kể để tái đầu tư cho đào tạo, huấn luyện của trường. Thông qua liên doanh với nước ngoài, trường có nhiều trang, thiết bị hiện đại phục vụ huấn luyện, nghiên cứu khoa học. Các đối tác nước ngoài không chỉ góp vốn đầu tư vào những công ty liên doanh mà còn cấp học bổng cho SV, tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tập ở nước ngoài.

Đến nay, ĐH Hàng hải đã thiết lập quan hệ song phương với nhiều trường đào tạo cùng ngành trên thế giới, các tổ chức quốc tế và công ty nước ngoài. Song, lãnh đạo nhà trường vẫn cho rằng, đó mới chỉ là bước đầu. ĐH Hàng hải sẽ có sự đánh giá khách quan và điều chỉnh để có những chiến lược phù hợp với điều kiện và tình hình mới.