Đó là kết luận của nhà phân tích cao cấp của hãng đầu tư Oppenheimer & Co – Fadel Gheit. Chuyên gia này cũng nhận định, giá dầu sẽ mất khoảng 2 năm để tìm đến điểm cân bằng 60 USD/thùng.
Tới lúc đó, đã quá muộn đối với các nhà sản xuất dầu Mỹ theo công nghệ đá phiến, với chi phí cao hơn các biện pháp tách dầu thường.
“Một nửa các nhà sản xuất, sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi giá dầu phục hồi lên mức 50 -60 USD/thùng. Mức 70 USD/thùng may ra có thể giúp họ tồn tại”, theo chuyên gia Gheit.
Mở đầu tuần thứ 2 của năm 2016, giá dầu thô trên thị trường Mỹ ngày 11/1 đã chốt phiên ở 31 USD/thùng, thấp nhất trong 12 năm. Trong khi giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2004.
Với mức giá hiện tại, cả những “ông lớn” trong ngành dầu mỏ Mỹ như ExxonMobil và Chevron cũng phải “lao đao”, đối diện với áp lực cắt giảm lợi tức để hạ chi phí.
Đại diện hai định chế tài chính Morgan Stanley và Goldman Sach ngày hôm qua đồng loạt lên tiếng khẳng định giá nhiên liệu này sẽ rơi xuống mức 20 USD/thùng.
Bên cạnh đó, John LaForge, trưởng bộ phận tài sản thực ở Wells Fargo cho rằng, giá dầu sẽ nhanh chóng tìm được đáy bởi nguồn cung và nhu cầu đang bắt đầu đi vào cân bằng. Tuy nhiên, một lượng lớn các nhà sản xuất sẽ phải giải thể khi giá dầu tiệm cận mức 30 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1986, gần 25% các công ty khai khoáng và sản xuất đã phá sản, theo John LaForge.
Cho tới nay, giá dầu đã giảm khoảng 70% kể từ mức đỉnh cao của mùa hè năm 2014. Đây là hệ lụy của cuộc chạy đua sản lượng từ các thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Saudi. Quốc gia Trung Đông này đang dốc lực “đánh bại” Nga và Iran trên chiến trường vàng đen. Hai quốc gia vốn tồn tại xung đột với Ả Rập Saudi và thu nhập dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu mỏ.