Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một quỹ đầu tư thoái vốn chưa thể khiến thị trường lao đao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh room đối với nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế thì những chứng khoán có yếu tố cơ bản tốt thường thiếu room và khi có người bán ra thì sẽ thường có người mua ngay lập tức.

KTĐT - Trong bối cảnh room đối với nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế thì những chứng khoán có yếu tố cơ bản tốt thường thiếu room và khi có người bán ra thì sẽ thường có người mua ngay lập tức.

Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long Quách Mạnh Hào cho rằng nhà đầu tư không nên quá lo lắng trước khả năng một quỹ đầu tư lớn có thể thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam.

- Thị trường chứng khoán những tuần gần đây diễn biến lình xình, khối lượng cũng như giá trị giao dịch trong phiên ở mức thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Tôi nghĩ thị trường đang trong giai đoạn mà bên mua và bán khá cân bằng. Nói cụ thể hơn, không có nhiều người bán ở mức giá như hiện tại vì họ cho là quá rẻ. Trong khi đó, phía người mua lại chờ đợi những diễn biến từ thị trường thế giới cũng như quyết định đi hay ở của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy vậy, điểm mấu chốt, theo tôi, là chưa có dấu hiệu cải thiện của dòng tiền. Nhưng điểm tốt là việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã hạn chế hơn. Kết cục là thị trường có sự thay đổi rất nhỏ về mặt điểm số.

- Một số nhà đầu tư lo ngại việc quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), do Dragon Capital quản lý, đang chịu sức ép từ một nhóm cổ đông trong việc bán tài sản và đóng quỹ. Sự lo lắng này là xác đáng?

- Quỹ đầu tư nào cũng có thời gian hoạt động và việc đi hay ở là quyết định của cổ đông. Kết quả hoạt động của quỹ thường sẽ là tiêu chí để cổ đông quyết định đi hay ở. Tôi nghĩ rằng việc lo lắng của các nhà đầu tư là hoàn toàn bình thường bởi họ chưa thực sự quen với điều này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên hiểu rõ rằng khi một nhóm cổ đông có ý định thì không có nghĩa là toàn bộ cổ đông. Và khi một quỹ đóng cửa cũng không có nghĩa là công ty quản lý quỹ đó sẽ rời Việt Nam vì họ còn quản lý nhiều quỹ khác. Tôi có cơ hội tiếp xúc với giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thấy rằng họ rất quan tâm tới các cơ hội tại đây.

- Quyết định VEIL có đóng quỹ hay không sẽ được đưa ra tại Đại hội cổ đông dự kiến tổ chức vào ngày 12/7. Tuy nhiên, với quy mô quỹ hơn 400 triệu USD, trong trường hợp VEIL buộc phải bán tài sản, sự kiện đó sẽ tác động như thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam?

- Nếu nhìn đơn thuần từ quan điểm đầu tư, tôi nghĩ điều này khó xảy ra vì định giá tài sản Việt Nam ở hiện tại là hấp dẫn so với các thị trường so sánh khác. Nhưng nếu điều đó xảy ra thực sự, tôi nghĩ rằng việc thanh lý quỹ cũng sẽ diễn ra thông qua các hình thức khác thay vì bán trực tiếp trên sàn.

- Sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn hiện được đánh giá là giúp tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà đầu tư này bất ngờ đóng quỹ, thoái vốn, thị trường khó tránh khỏi ảnh hưởng. Nhà đầu tư nhỏ cần phải làm gì để hạn chế thiệt hại trong những trường hợp này?

- Thực ra điều này là công bằng. Đặc điểm đầu tư của các quỹ là họ mua và giữ. Trong toàn bộ thời gian họ mua, họ đã không hoặc rất ít bán, các nhà đầu tư đã có lợi từ việc hạn chế cung từ khi các quỹ bắt đầu giải ngân. Do vậy, khi họ thanh lý tài sản, quá trình ngược lại sẽ xảy ra.

Nói như vậy nhưng tôi vẫn nghĩ rằng các cổ phiếu được nắm giữ bởi các quỹ đầu tư thường là các chứng khoán cơ bản tốt phù hợp với đầu tư dài hạn. Do vậy, khi họ bán đi sẽ có người khác mua.

Đặc biệt trong bối cảnh room đối với nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế thì những chứng khoán có yếu tố cơ bản tốt thường thiếu room và khi có người bán ra thì sẽ thường có người mua ngay lập tức. Với cách nhìn đó, tôi cho rằng chắc chắn đó không phải là những tài sản đại hạ giá để nói rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

- Trong ít ngày qua, các quỹ nước ngoài có xu hướng gom mạnh cổ phiếu ngân hàng trong khi nhà đầu tư trong nước lại chưa thật sự mặn mà với nhóm ngành này. Theo ông, đâu là nguyên nhân cho sự “ngược dòng" này?

- Họ cho rằng với quy mô hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng không thực sự hấp dẫn so với các doanh nghiệp khác với quy mô nhỏ hơn. Đây cũng là điều bình thường vì nguyên lý lợi nhuận biên giảm dần theo quy mô vốn. Nhóm đầu tư nước ngoài thường có xu hướng ưa thích những cổ phiếu lớn bởi họ suy nghĩ rằng lớn sẽ an toàn. Và một đặc điểm khác là rất nhiều quỹ nước ngoài có xu hướng nắm giữ các cổ phiếu giống nhau vì họ có cùng cách tiếp cận là phải thanh khoản và an toàn.