Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số nước thay đổi chính sách nhập cư sau thảm kịch Paris

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ thảm sát đẫm máu do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện ở Paris cũng đã tác động sâu sắc lên chính sách tiếp nhận người tị nạn của các nước khác ở châu Âu.

Các chính trị gia nước Đức- quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng đã bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel thay đổi chính sách.

"Vụ khủng bố đã thay đổi mọi thứ", các chính trị gia bảo thủ Đức tuyên bố, đồng thời phát đi lời kêu gọi nước này cần có các biện pháp giám sát khủng bố và kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Chính sách nhập cư của bà Merkel đang bị yêu cầu thay đổi sau vụ tấn công vào Paris.
Chính sách nhập cư của bà Merkel đang bị yêu cầu thay đổi sau thảm kịch Paris.
Nghị sĩ của Liên minh Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) Horst Seehofer cho rằng, những vụ tấn công ở Paris cùng vụ bắt giữ một nghi phạm được cho là đang mang theo chất nổ ở biên giới Đức - Áo là bằng chứng cho thấy nước Đức cần phải siết chặt các quy định tiếp nhận người di cư vào Đức. Nghị sĩ Markus Soder vùng Bavaria cũng kêu gọi nước này kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, trong khi một số người muốn đóng cửa hoàn toàn biên giới.

Trước phản ứng của các chính trị gia cánh hữu, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho rằng, chưa có kết luận chính thức cho thấy vụ khủng bố Paris có liên quan đến dòng người di cư kỷ lục đang đổ về châu Âu.

Ông Maiziere khẳng định lực lượng an ninh sẽ theo dõi chặt chẽ các phần tử cực hữu cực đoan ở nước này. "Nước Đức cũng sẽ tiếp tục cứng rắn với chủ nghĩa khủng bố quốc tế", ông này nhấn mạnh.

Ba Lan ngừng tiếp nhận người di cư sau vụ khủng bố Paris

Ngày 14/11, chính phủ sắp ra mắt của Ba Lan tuyên bố nước này sẽ không tiếp nhận thêm người tị nạn theo chương trình phân bổ của Liên minh châu Âu (EU), và yêu cầu có các biện pháp đảm bảo an ninh trước khi tiếp nhận người tị nạn sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris, Pháp, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Kế hoạch phân bổ hạn ngạch di cư của EU bị Ba Lan phản đối
Kế hoạch phân bổ hạn ngạch di cư của EU bị Ba Lan phản đối
Ông Konrad Szymanski - người sắp nhậm chức Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Ba Lan - đã tuyên bố rõ rằng chính phủ mới của nước này sẽ không tuân thủ chương trình phân bổ người tị nạn của EU. "Vụ tấn công đồng nghĩa với việc cần phải xem xét lại sâu sắc hơn chính sách của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nhập cư", ông Szymanski nói thêm.

"Sau thảm kịch ở Paris, chúng tôi thấy không khả thi về mặt chính trị để thực hiện chương trình này. Ba Lan cần phải kiểm soát hoàn toàn được đường biên giới cũng như chính sách nhập cư và tị nạn của mình", ông Szymanski nhấn mạnh.

Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ của Ba Lan đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm 25/10 với chính sách vận động tranh cử từ chối tiếp nhận người nhập cư vào Ba Lan. Chính phủ mới của Ba Lan do đảng PiS chỉ định sẽ ra mắt vào ngày 16/11.

Theo kế hoạch phân bổ tị nạn của EU, khoảng 160.000 người tị nạn đăng ký tại các nước như Hy Lạp và Italia sẽ được phân bổ đến 28 nước thành viên trong khối. Đảng trung hữu thân EU hiện nay của Ba Lan đã chấp nhận thực hiện kế hoạch này và đồng ý tiếp nhận 4.500 người tị nạn, ngoài 2.000 người mà họ đã tiếp nhận trước đây.