Một sự bất tín...

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần, có một thông tin được thông báo trên một số phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và Hà Nội: UBND TP Hà Nội vừa giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của TP.
Bình thường ra, đây sẽ là một thông tin được nhiều người quan tâm, thậm chí có những ý kiến trái chiều. Lần này lại khác. Có vẻ như thông tin này chưa gây được sự chú ý của người dân. Phần vì cũng đã lâu, từ năm 2015, giá nước sạch tại Hà Nội vẫn ổn định. Với những điều kiện kinh tế thay đổi, mọi thứ đều tăng giá, giá nước sạch có tăng, mà tăng hợp lý là điều có thể chấp nhận được. Một nguyên nhân khác, mà có lẽ là nguyên nhân chính, là từ gần tháng nay, người dân Hà Nội nói chung và gần 250.000 hộ, 18% dân số của Hà Nội trong vùng bị ảnh hưởng đã tập trung sự quan tâm của mình vào cuộc “khủng hoảng nước sạch” mà người chịu trách nhiệm chính là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Như chúng ta đã biết, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều khu vực tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm. Ngày 14/10, Viwasupco báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Một số cán bộ công ty phát hiện dầu thải sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng. Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Ngày 22/10, Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống".
Nửa tháng sau sự cố, Viwasupco gửi thông báo xin lỗi khách hàng và miễn phí tiền nước một tháng.
"Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ". Điều đáng nói là trước đó dù đã nhiều lần được đề nghị, nhưng Viwasupco đều từ chối đưa ra lời xin lỗi với các lý do "chờ kết luận của cơ quan điều tra" hay "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất"!
Trong thông cáo phát đi sáng 25/10, cùng với lời xin lỗi muộn màng, Viwasupco thừa nhận "chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra", dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong đời sống người dân.
Đến nay, mặc dù được thông báo là "nước sạch sông Đà đã an toàn" nhưng nhiều hộ dân ở Hà Nội vẫn tỏ ra chưa tin tưởng và tiếp tục mua nước đóng chai, nước bình để ăn, uống.
Với cách hành xử của Viwasupco trong suốt quá trình xảy ra cuộc “khủng hoảng nước sạch” nêu trên, đặc biệt là vẫn tiếp tục cung cấp “nước sạch” cho người dân dù biết nguồn nước đã bị ô nhiễm, việc người dân tỏ ra nghi ngờ, tiếp tục mua nước đóng chai về dùng dù tốn kém là dễ hiểu. Hơn nữa, bằng cảm quan thực tế, cũng như dựa trên ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, việc xử lý một cách triệt để tác động của dầu thải (được xếp vào loại chất thải nguy hại 2 sao, tức là có thể khẳng định là loại chất thải nguy hại mà không cần phân tích và so sánh với các loại quy chuẩn!) đến chất lượng nguồn nước trên toàn bộ hệ thống là không thể trong ngày một, ngày hai.
Nhắc lại như vậy để thấy việc người dân nghi ngờ về chất lượng của nguồn nước sạch do Viwasupco cung cấp là có cơ sở. Bởi như các cụ ta thường nói, một sự bất tín, vạn sự khó tin…
Xem ra việc làm cần thiết bây giờ là trưng cầu giám định của một cơ quan độc lập, có đủ năng lực và uy tín để đưa ra kết luận cuối cùng, thực hiện mọi biện pháp trên cơ sở kết quả và khuyến nghị của cơ quan đó, bảo đảm trả lại nguồn nước sạch cho người dân Hà Nội. Chỉ có như vậy, lời xin lỗi của Viwasupco mới có thể được chấp nhận!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần