Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một thoáng chùa Thầy

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngỡ ký ức đã bị phủ lấp dưới lớp lớp bụi thời gian, chùa Thầy, một danh thắng gần ngàn năm tuổi, hiện thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa tâm linh vàng ròng để hậu sinh tìm tòi, khám phá.

Vẹn nguyên ký ức
Lần đầu đến với chùa Thầy vào mùa Thu năm Đinh Tỵ (1977), trên 200 tân sinh viên Ngữ văn K22 Đại học Tổng hợp Hà Nội kéo lên Sài Sơn 2 tháng, ăn ở trong nhà dân huấn luyện quân sự. Đợt huấn luyện thuộc chương trình chính khóa của năm thứ Nhất, do các sĩ quan Bộ môn Quân sự của trường Đại học Tổng hợp trực tiếp “luyện quân rèn cán”, giờ giấc học tập, nội dung răm rắp khuôn phép nhà binh.
Mấy chục nam sinh vừa rời quân ngũ vào giảng đường cùng với các cậu tú, cô tú vừa rời ghế phổ thông, ngày hai buổi có mặt dưới chân núi Sài để học về quân sự. Trên những bờ xôi ruộng mật được dân cho mượn làm thao trường, chúng tôi tập mấy bài cơ bản lăn lê bò toài, ném lựu đạn, ngắm bắn bia cố định và di động.
Thủy Đình dưới chân núi Sài. Ảnh: Giao Hưởng
Thứ Bảy toàn khóa tập trung tại “giảng đường” là Nhà tiền Tế chùa Thầy (còn gọi chùa Hạ, hay Tòa ngoài) học lý luận về quân sự, về quốc phòng toàn dân. Quân sự chẳng liên quan với chữ nghĩa văn chương là những chuyên ngành chúng tôi sẽ theo học trong mấy năm tới, nhưng 2 tháng huấn luyện cho chúng tôi được “du lịch dài ngày” để khám phá di tích danh thắng chùa Thầy.
Bảy năm trước (2012) tôi thăm lại chùa Thầy, quanh núi Sài xóm làng xưa đã như phố thị, đồng ruộng không còn “thẳng cánh cò bay”. Sau hàng vạn năm không còn đủ 16 ngọn đá vôi hiện hữu trên mặt đất của huyện Quốc Oai, mới hay trong vòng mấy chục năm nay người ta đã nung 6 ngọn núi thành vôi và trong 10 ngọn còn lại Sài Sơn là ngọn đẹp nhất để chùa Thầy ngự thiền.
Chùa Thầy, các tên gọi khác là Thiên Phúc Tự, chùa Phật Tích, chùa Sài Sơn, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh từng trụ trì. Trong thời gian Thiền sư trụ trì, Thiên Phúc Tự chỉ là một thảo am nhỏ. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép, Lý Nhân Tông (1072 - 1128) không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai để duy trì cơ nghiệp nhà Lý. Tại núi Sài vào năm 1116, Từ Đạo Hạnh thoát xác ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời (tức vua Lý Thần Tông), về sau vua Lý Thần Tông cho khởi dựng chùa Thầy bên núi Sài. Đến vua Lý Nhân Tông cho tôn tạo Thiên Phúc Tự theo lối kiến trúc hình chữ "Tam" gồm: Chùa Hạ, chùa Giữa, chùa Thượng, ba lớp - ba tòa nằm song song với nhau. Tòa ngoài gọi là nhà Tiền tế (chùa Hạ), Tòa giữa là Trung điện (chùa Trung), Tòa trong cùng là Thượng điện (chùa Thượng), tại đây thờ pho tượng Thiền sư Từ Ðạo Hạnh đặt trong giá gương sơn son thiếp vàng.
Theo thuyết phong thủy, núi Sài là con rồng lẻ đàn (Quái Long) mà sân chùa là lưỡi Rồng, Thủy Đình là hòn ngọc, xung quanh “thập lục kỳ sơn” Quy, Phượng về chầu. Ngay trước chùa Hạ có hồ Long Trì - ao Rồng, nơi từng là giảng đường cho K22 khoa Ngữ văn chúng tôi “tọa thiền” học chính trị.
Giữa hồ có Thủy đình để biểu diễn rối nước, hai bên tả, hữu có Nhật Tiên Kiều (cầu Nhật Tiên) và Nguyệt Tiên Kiều (cầu Nguyệt Tiên), do Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan cung tiến, xây dựng năm 1602. Nay đứng bên này hồ nhìn sang chỉ thấy Thủy đình, toàn bộ 3 tòa Hạ, Trung, Thượng điện đã bị những tòa nhà cao tầng che khuất, nghĩa là sau 900 năm khởi dựng, đến đầu thế kỷ XXI người ta cưỡng đoạt 100% không gian lịch sử phía mặt tiền của chùa Thầy.
Cũng may là cái không gian lịch sử ấy cùng với truyền ngôn về di tích Sài Sơn vẫn còn trong ký ức người đời, vẫn được các “nhân viên” du lịch xã hội lập trình vào bộ nhớ để giới thiệu với du khách, trong đó có tích “bể xương” ở hang Cắc Cớ đang là “một ẩn số” (?) đối với giới khảo cổ nước Nam.
Địa linh sinh nhân kiệt
Ra khỏi hang Cắc Cớ, tôi cùng tốp cử nhân người Nghệ gồm Nguyễn Bình An, Nguyễn Thế Anh, Phan Thị Hằng Nga… lần lượt lên đền Thượng, chùa Bối Am (còn gọi là chùa Một Mái), Nhà lưu niệm Bác Hồ. Sát vách chùa Một Mái có một cái hang, miệng hang được lắp cánh cửa sắt và có khóa bảo vệ, trên miệng hang nổi dòng chữ màu đỏ “Hang Bác Hồ”, trong hang này năm 1947 Bác Hồ từng ở làm việc một thời gian, về sau cư dân khu vực chùa Thầy truyền nhau bài thơ:
Một mái xinh xinh tựa đóa hoa
Bước đầu kháng chiến đón Cha già
Người tạm dừng chân lên Việt Bắc
Chỉ đạo toàn dân giữ nước nhà
Trong xóm dưới chân núi Sài có đền thờ cụ Phan Huy Chú (1782 - 1840) do gia đình dòng họ quản lý. Sài Sơn là nơi cụ Phan Huy Chú chào đời, về sau tại đây con cháu lập dựng đền thờ cụ - một danh nhân văn hóa của đất nước. Phan Thị Hằng Nga nói như reo: “Nhà cháu thuộc dòng họ Phan Huy, hôm nay cháu xin vào thắp hương kính viếng cụ”.
Tác giả cùng tốp thanh niên quê Nghệ.
Khi tốp chúng tôi vào tới nơi thì đã hơn 13 giờ, cánh cổng đền thờ im ỉm khóa dù là nhằm ngày 1/8 Nhâm Thìn. Đã đứng ngoài cổng mà không thể vào trong đền thờ dâng hương kính viếng cụ, tôi bảo cháu Nga và mọi người thành tâm bái vọng cụ. Trưa ấy, bữa cơm dã ngoại được bố trí tại nhà dân dưới chân núi Sài. Trong lúc chờ cơm nhóm trẻ chuyện trò rôm rả. Tôi vui với nhóm cử nhân trẻ quê Nghệ, cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn của các cháu đang rợp bóng danh thắng chùa Thầy.
Tôi nói với cháu Hằng Nga là sau này dù làm gì, ở đâu, cháu luôn có quyền tự hào về dòng họ Phan Huy của mình, về cụ Phan Huy Ích (SN 1750) là thân sinh của Phan Huy Chú. Dòng họ Phan Huy có mặt tại làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang (nay xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khoảng đầu thế kỷ XVII. Năm 1775 vụ Ích đậu chế khoa đồng Tiến sĩ, làm quan thời Hậu Lê. Từ làng Thu Hoạch, cụ Ích ra định cư tại làng Sài dưới chân núi Phật Tích và hình thành chi họ Phan Huy ở khu vực Sài Sơn này. Vợ chồng cụ Phan Huy Ích - Ngô Thị Thục sinh Phan Huy Chú (con trai thứ ba) tại làng Thụy Khuê, còn gọi là làng Thầy.
Sớm nuôi chí học hành, Phan Huy Chú học giỏi nổi tiếng, hai lần đi thi cả hai lần chỉ đỗ Tú tài, người đời gọi là "kép Thầy". Không khoa bảng đậu đạt nhưng Phan Huy Chú nổi tiếng về thực tài, được vua Minh Mệnh triệu vào Huế và lần lượt giữ các chức: Hàn lâm biên tu; làm Sứ bộ sang Trung Quốc lần 1; Phủ thừa phủ Thừa Thiên; Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1831 lại được cử làm sứ bộ sang Trung Quốc lần 2, trở về bị Minh Mệnh cách chức, bắt đi phục vụ một sứ bộ chuyên việc buôn bán đường biển giữa triều Nguyễn và Nam Dương (tức Indonesia). Trở về, được triều đình phục chức Tư vụ Bộ Công, nhưng vì ngán chốn quan trường, cụ xin từ quan về dạy học ở Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Sơn Tây, nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội rồi mất tại đây.
Đời làm quan lận đận, nhưng cụ để lại một sự nghiệp trước tác đồ sộ với một loạt tác phẩm: Hoàng Việt dư địa chí; Hoa thiều ngâm lục (tập thơ 2 quyển gồm 275 bài thơ, 4 bài phú, 8 bài từ); Hoa trình ngâm lục (tập thơ gồm 127 bài); Nam trình tạp ngâm đã thất truyền; Dương trình ký kiến (những điều mắt thấy trong cuộc hành trình trên biển sang Indonesia), tác phẩm này cũng bị thất truyền. Nổi bật nhất là bộ Lịch triều hiến chương loại chí khởi thảo lúc 27 tuổi, viết trong 10 năm (1809 - 1819) mới xong.
Lịch triều hiến chương loại chí dung lượng thông tin khoa học uyên bác, sâu sắc về 10 bộ môn - 10 lĩnh vực, là bộ lịch sử văn hiến đồ sộ, một bách khoa thư về cuộc sống của con người, đất nước Việt Nam. Qua công trình này ta thấy trong một Phan Huy Chú dù không đỗ đạt nhưng hội đủ các nhà: Sử học, Địa lý học, Nghiên cứu pháp luật, Nghiên cứu kinh tế, Nghiên cứu giáo dục, Nghiên cứu quân sự, Thư tịch học, Phê bình văn học, Nghiên cứu văn hóa.
Địa linh sinh nhân kiệt như là quy luật muôn đời. Chùa Thầy nơi sinh ra Phan Huy Chú, một danh tài đặc biệt về nghị lực tự đào tạo, về sáng tạo khoa học, về tinh thần cống hiến hết mình cho đất nước.