KTĐT - Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N-11) sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010 và vì vậy có thể là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm sắp tới.
Nhóm N-11 bao gồm Mexico, Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc và Philíppines. Goldman Sachs xếp 11 nước này thành một nhóm riêng ngoài Nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vì quy mô nền kinh tế của các nước trong mỗi nhóm khác nhau. Nhóm BRIC sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ , chiếm 25% diện tích thế giới và 40% dân số thế giới. Với tiềm lực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới, Nhóm BRIC là những địa chỉ hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Các nước Nhóm N-11 cũng có số dân lớn và đang tăng nhanh. Đây là lợi thế của Nhóm N-11 so với các nước công nghiệp phát triển có dân số giảm mạnh, vì dân số lớn đồng nghĩa với nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Nhiều nước trong Nhóm N-11 đã khẳng định khả năng sản xuất hàng tiêu dùng và tiềm lực tiêu dùng của người dân. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ và các nguyên liệu quý khác cũng giúp đẩy nhanh phát triển của các nền kinh tế các nước Nhóm N-11.
Tập đoàn Goldman Sachs nhấn mạnh tổng hợp các lợi thế này đã tạo ra tiềm lực lớn của Nhóm N-11 về tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng tiêu dùng., mở ra các cơ hội lớn cho các nhà đầu tư .
Đồng quan điểm với Goldman Sachs, tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ Citigroup Inc., cũng đưa ra nhận định răng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV/2009 đã vượt hơn nhiều so với dự kiến và tốc độ tăng trưởng cả năm của nước này "mạnh hơn nhiều" so với các nước châu Á khác, trừ Trung Quốc.
Bà Hohana Chua, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Citigroup đặt ở Hồng Kông, nhận xét rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV/2009 "mạnh hơn rất nhiều dự kiến" (trước đó, Citigroup dự tính tốc tộ tăng trưởng của Việt Nam trong cả năm 2009 chỉ đạt 4,7%). Đặc biệt, ngành công nghiệp xây dựng đã được hỗ trợ bởi kế hoạch "kích thích tài chính và tiền tệ mạnh". Theo bà, Ngân hàng trung ương Việt Nam cần tăng lãi suất một lần nữa bởi vì tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý IV và lạm phát đang tăng lên. Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng nên loại bỏ hoặc sửa lại các quy định đặt mức trần đối với những người vay./.