Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Múa đương đại chưa có chỗ đứng đã... biến tướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy cảm hứng từ những sự kiện, con người, hình ảnh của một thời kỳ lịch sử đầy biến động, dự án nghệ thuật múa đương đại "Việt Nam những năm 70" đang là tâm điểm chú ý của sân khấu Thủ đô những ngày tháng 3 này, đặc biệt là trong lúc còn quá nhiều tranh cãi giữa múa đương đại thực sự và đương đại "biến tướng".

Múa đương đại chưa có chỗ đứng đã... biến tướng - Ảnh 1
Biên đạo múa Lê Vũ Long - Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đã chia sẻ rất thẳng thắn trước buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20 giờ ngày 25 và 26/3.

"Việt Nam những năm 70" là chủ đề của dự án nghệ thuật múa đương đại được giới thiệu đến khán giả Hà Nội lần này. Tại sao không phải là Việt Nam của những năm 60 hay 80 mà lại là 70?

- Thập niên 1970 có tính chất bản lề trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Và nét thú vị của nó là sự chuyển tiếp giữa 2 giai đoạn: Nửa trước là những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh và nửa sau là những năm đầu hòa bình. Những chuyển biến trong thập niên ấy đã tạo ra những cột mốc quan trọng đến giờ, trong đó có cả những "cú hích" bất ngờ cho nghệ thuật. Hơn nữa, hầu hết các tác giả tham gia dự án đều sinh ra trong thập niên 1970 hoặc đầu những năm 1980.

Với vai trò đạo diễn, anh sẽ tái hiện Việt Nam những năm 70 như thế nào?
- Chúng tôi không có tham vọng kể lại câu chuyện những năm 70 với việc đánh giá lịch sử, văn hóa, vùng miền mà chỉ quan tâm đến chiều sâu tâm lý con người trong và sau thời kỳ đó. Hơn nữa, dự án của chúng tôi không kinh doanh mà phát vé miễn phí, nên sẽ không phải tổng duyệt.
Múa đương đại chưa có chỗ đứng đã... biến tướng - Ảnh 2
Phải chăng vì năm 2009, trong buổi tổng duyệt trước khi công diễn dự án "Ký ức thở dài", Hội đồng nghệ thuật đã yêu cầu anh cắt nhiều đoạn nhạy cảm. Và lần này để "lách luật", anh không bán vé cho đêm diễn?

- Nếu tôi bán vé kiếm doanh thu, các chủ rạp sẽ đưa mức giá thuê rạp khác với thuê để biểu diễn miễn phí. Chưa kể, chúng tôi phải chi thêm một khoản thuê rạp cho một buổi tổng duyệt. Dự án cũng nhận được tài trợ từ phía Đan Mạch, vậy còn bán vé để làm gì, trong khi 10 năm nay, sự quan tâm của ngành văn hóa đối với nghệ thuật đương đại không có gì thay đổi.

 Một thực tế buồn là phần đông người Việt chưa có thiện cảm với nghệ thuật đương đại. Bởi cứ nhắc đến đương đại là khán giả lại tưởng tượng ra rất nhiều hình ảnh kỳ quái và khác người?

- Khán giả chưa thiện cảm vì đa phần tiếp xúc với thứ nghệ thuật "nhái" đương đại. Thật buồn là khi múa đương đại Việt Nam chưa có chỗ đứng vững chãi, chưa kịp định hình rõ nét thì đã kịp "biến tướng". Ở giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, khi đại bộ phận chúng ta còn e dè với đương đại thì đương đại được áp dụng hơi thiếu cẩn trọng và xuất hiện với tần suất dày. Người ta thấy đủ thứ đương đại dân gian, rồi đương đại kiểu cuốn, vẽ, quằn quại giữa đường phố... nhưng thực chất, thế giới chưa bao giờ công nhận đó là đương đại.

Anh không ngại nói ra điều này sẽ đụng chạm đến rất nhiều đồng nghiệp đang xây dựng một nền nghệ thuật đương đại cho Việt Nam?

 - Khi các tổ chức quốc tế rót tiền tài trợ cho các dự án đòi hỏi các tác phẩm múa đương đại thật sự thì mới vỡ lẽ số lượng các nghệ sĩ làm múa đương đại thật sự đếm chưa hết đầu ngón tay. Bao nhiêu năm đi lưu diễn theo các dự án đương đại trên thế giới, tôi đâu có gặp các gương mặt đang nổi tiếng về đương đại ở Việt Nam. Đôi khi, tôi mong các nghệ sĩ vốn rêu rao là đương đại hãy có một chút sĩ diện định hình lại thứ hổ lốn mình đang làm mà cùng chung tay xây dựng nghệ thuật múa đương đại Việt Nam thật sự.

Xin cảm ơn anh!