Số liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho thấy, lưu lượng và lượng mưa tại 5 trạm thủy văn: Nguyên Giang, Mạn Hảo trên sông Nguyên (thượng lưu sông Thao); Thổ Khả Hà, Tứ Nam, Kim Thủy Hà trên sông Lý Tiên (thượng lưu sông Đà) trong 7 ngày qua, có xu thế biến đổi chậm. Đồng thời, chịu ảnh hưởng của thủy điện phía thượng lưu; không xuất hiện lũ, lượng mưa trung bình ngày phổ biến 10mm - 30mm. Mực nước các sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc phần lãnh thổ Việt Nam đang biến đổi chậm và ở mức thấp.
Trong quá khứ, lũ lớn xuất hiện trên lưu vực sông Lý Tiên và sông Nguyên trên lãnh thổ Trung Quốc chảy truyền về từng gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao, điển hình như các năm 2008, 2015, 2018. Tuy nhiên, lũ xuất hiện không đồng bộ, khi truyền về lãnh thổ Việt Nam, dòng sông được mở rộng, dòng chảy lũ có tổn thất và bẹt sóng lũ, các đợt lũ này không gây lũ lớn trên toàn lưu vực sông Hồng.
Lũ lớn trên báo động 3 thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình được hình thành khi xuất hiện tổ hợp nhiều hình thế thời tiết gây mưa lớn (như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh áp thấp…), kết hợp với nền chân lũ ở mức cao trong nhiều ngày. Dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng, mà sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành.
Liên quan đến tình hình mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc và những lo ngại của người dân về nguy cơ có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mới đây khẳng định, mưa lũ ở miền Nam Trung Quốc không ảnh hưởng đến Việt Nam. Sở dĩ vậy là bởi toàn bộ nước lũ trên lãnh thổ quốc gia này sẽ đổ ra biển phía Nhật Bản, không đổ ra Biển Đông.