KTĐT - Các giao dịch ở phân khúc nhà phố, đất nền đang lao dốc trước “cơn lốc giá vàng”, nhất là khi giá vàng đã gần ngưỡng 25 triệu đồng/lượng.
Người bán nhà thường thích chọn hình thức giao dịch bằng vàng để bảo toàn giá trị căn nhà, nhất là khi giá vàng liên tục tăng. Trong khi đó, người mua lại muốn thanh toán bằng tiền mặt, vì nếu thanh toán bằng vàng trễ ngày nào là thiệt thòi ngày đó. Chính sự “giằng co” này đã khiến số lượng giao dịch nhà đất trong thời gian gần đây giảm mạnh.
Mất tiền vì mua đất bằng vàng
Giá vàng liên tục lập kỷ lục trong khi thị trường địa ốc vẫn đang “lình xình” đã khiến nhiều người mua nhà bằng vàng lỗ nặng. Đầu năm 2009, chị Nguyễn Thị Liên, quê ở Bến Tre mua cho con đang làm việc tại TP.HCM miếng đất rộng 40m2 tại một con hẻm trên đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân với giá gần 280 triệu đồng.
Lúc đó giá vàng là 19,5 triệu đồng/lượng. Theo hợp đồng giữa chị và bên bán, căn nhà sẽ được quy ra hơn 14,3 cây vàng để thanh toán làm ba đợt. Đợt đầu, ngay khi giao đất chị sẽ trả bảy cây vàng, đến tháng 7.2009 sẽ trả tiếp bốn cây và đến tháng 10.2009 chị sẽ trả số tiền còn lại. “Do vàng từ đó đến nay liên tục tăng giá, trong khi giá nhà đất không tăng, nên hiện nay tôi phải chịu lỗ hơn 14 triệu đồng để mua vàng trả cho chủ đất”, chị Liên than.
Không chỉ những người mua nhà bằng vàng trong thời gian qua lỗ nặng vì giá vàng tăng, theo thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM, thời gian gần đây nhiều giao dịch địa ốc thanh toán bằng vàng đã không thành, thậm chí vỡ hợp đồng. Nguyên nhân là khi giá vàng biến động, bên mua lừng khừng nhằm chờ giá vàng bớt nóng.
Mặt khác, khi người bán được lợi, người mua cảm thấy thiệt thòi và ngược lại thì hai bên sẽ phát sinh mâu thuẫn. Thêm nữa, thông thường để hoàn thành một giao dịch nhà đất phải mất cả tháng, trong khi mức biến động của giá vàng là rất lớn, có khi lên đến triệu đồng sau một đêm, điều này tác động lớn đến cả người mua và bán.
Điển hình như trường hợp anh Đinh Toàn, chủ nhân khu đất rộng 250m2 trên mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Anh Toàn cho hay, dù đang rất cần tiền để đầu tư nhưng gần hai tháng nay không bán được miếng đất này.
“Nguyên nhân chính khiến miếng đất này khó bán dù nằm ở vị trí khá đắc địa là do người bán niêm yết giá bán bằng vàng, trong khi giá vàng liên tục tăng mà người bán vẫn giữ mức giá đưa ra từ cách nay hai tháng.
Ngoài ra, hiện giá đất ở khu vực này khoảng 12 – 13 lượng vàng/m2, nhưng Toàn đã “hét” lên đến 16 lượng vàng/m2”, ông Trần Đình Hiệp, chuyên viên thẩm định của công ty thẩm định giá Thương Tín nhận định.
Chuyển sang giao dịch bằng tiền đồng
“Hầu hết những sản phẩm niêm yết bằng vàng tại Sacomreal đều không thể giao dịch. Số lượng ký gửi, giao dịch nhà đất bằng vàng tại sàn này đã giảm đến 90% so trước đây. Thói quen định giá nhà bằng vàng vắng bóng dần”, ông Bùi Tiến Thắng, phó tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín nói.
Tuy vậy, theo ông Thắng, giá vàng tăng chủ yếu ảnh hưởng đến giao dịch nhà phố, còn căn hộ không chịu tác động nhiều vì hầu hết đều thanh toán bằng tiền đồng và thanh toán theo tiến độ dự án.
Tại sàn ACBR, hầu hết những vụ giao dịch bằng vàng thành công là những căn hộ có giá trị thấp và những trường hợp này là mua để ở. Ông Phạm Văn Hải, tổng giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACBR, cho rằng: “Do giá vàng liên tục nhảy múa, nên hiện nay vàng mất dần vai trò định giá nhà đất và giao dịch đã bắt đầu chuộng dùng tiền đồng. Đó là chưa kể, giá vàng tăng từng ngày nên có những căn hộ niêm yết bằng giá vàng chỉ sau một đêm đã tăng hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, có những vụ hai bên đã gật đầu nhưng qua ngày hôm sau thì lật kèo vì giá vàng biến động”, ông Thắng cho hay.
Hiện nay khi khách hàng đến mua bán, ký gửi tại các sàn đều được nhân viên tư vấn quy đổi sang tiền đồng để dễ giao dịch, thương lượng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo cả người mua và bán nên giao dịch bằng tiền đồng để không phải chịu biến động giá, tiện thanh toán và không phát sinh tranh chấp về sau, đổ vỡ.