Chính phủ cũng dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020. Về bội chi ngân sách nhà nước, Chính phủ xây dựng mức bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9% GDP).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ý kiến trong Ủy ban đều nhất trí rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/ năm là hợp lý. Đi đôi với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và đẩy mạnh cải cách đơn vị sự nghiệp công.
5 nội dung trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, trong đó cho biết nguồn lực dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ xác định 5 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
Ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Bốn, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Trong 10 nhiệm vụ ưu tiên, Chính phủ chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp T.Ư và địa phương.
Thẩm tra kế hoạch này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định: 5 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung, nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, cần lưu ý việc nâng cao nhận thức, quyết tâm của các ngành, địa phương trong chỉ đạo và đề ra cách triển khai phù hợp trong thực tiễn, từ đó cần nhận thức đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt hơn ở cả T.Ư và địa phương.
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017.