Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục đích cao cả, cách làm cẩu thả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình mang đầy tính nhân văn cao cả - tuyến vỉa hè Yết Kiêu có đường dành riêng cho người khiếm thị.

Tuy nhiên, việc thi công cẩu thả cộng với sự vụ lợi đã biến mục đích cao cả này thành trò đùa, xúc phạm và gây nguy hiểm cho những người tàn tật.

Nguy hiểm cho người khiếm thị

Phương tiện giao thông công cộng không có thiết kế dành riêng cho người khuyết tật; các nơi tập trung như sân vận động, rạp hát, khán phòng không có chỗ riêng cho người khuyết tật; không có đường đi bộ dành riêng cho người khuyết tật…, trong mắt bạn bè quốc tế, đó là những điểm trừ khi nhắc đến hình ảnh Thủ đô Hà Nội. Còn trong suy nghĩ, sinh hoạt của những người khuyết tật, đó là một sự tủi thân và khó nhọc. Vì thế, TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để lần đầu tiên xây dựng thí điểm tuyến vỉa hè dành riêng cho người khiếm thị - hai bên vỉa hè của phố Yết Kiêu.
Điểm trông xe máy, ô tô lấn đường đi của người khiếm thị.
Điểm trông xe máy, ô tô lấn đường đi của người khiếm thị.
Vỉa hè tại tuyến phố này được lát đá xanh và trên đó, đường dành riêng cho người khiếm thị lát đá gồ, tạo thuận tiện cho người khiếm thị. Công trình này thực sự mang một mục đích cao cả đầy tính nhân bản. Tuy nhiên, khi xây dựng xong, nó lại là một sự xúc phạm đến những người dân Hà Nội có tự trọng.

Ông Nguyễn Văn Bằng - người trông xe máy tại vỉa hè nơi đây có câu nhận xét sỗ sàng nhưng lột tả hết những cẩu thả tại đường dành riêng cho người khiếm thị vỉa hè Yết Kiêu: “Chỉ có mù mới đi theo cái đường này”. Phần đường dành cho người khiếm thị trên vỉa hè phố Yết Kiêu giao với Trần Quốc Toản không khớp nối với vạch sang đường dành cho người đi bộ. Như vậy, người khiếm thị khi từ vỉa hè muốn băng qua đường sẽ rất nguy hiểm. Theo quy chuẩn quốc tế về lối đi dành cho người khiếm thị, tại các điểm giao cắt phía trước, trên đường đi riêng sẽ có các điểm tròn gồ lên để báo hiệu. Tuy nhiên, tuyến đường dành riêng cho người khiếm thị trên vỉa hè phố Yết Kiêu lại không có những điểm tròn này.

Sự thi công cẩu thả cho bất cứ công trình nào cũng là tội lỗi, nhưng việc thi công cẩu thả ở một công trình dành cho người tàn tật là một tội ác. Khi những người khiếm thị gặp tai nạn trên chính con đường mà người ta ưu ái làm riêng cho họ, đó sẽ là một thảm họa và day dứt không thể sửa chữa nổi.

Lãng phí

Tại Hà Nội, vỉa hè có rất ít không gian cho người đi bộ. Đó là một thực tế tại TP có sức bùng nổ dân số quá nhanh. Tuy nhiên, tại tuyến vỉa hè thí điểm có đường dành riêng cho người khiếm thị tại phố Yết Kiêu, nơi thể hiện sự quan tâm của TP với những người kém may mắn, việc chiếm vỉa hè để kinh doanh là điều không thể chấp nhận. Trên vỉa hè Yết Kiêu bên phải tính từ điểm giao cắt với Trần Quốc Toản đến điểm giao cắt với Trần Hưng Đạo, hàng trăm chiếc ô tô đỗ trên đường dành riêng cho người khiếm thị. Còn phía vỉa hè bên trái, vài trăm chiếc xe máy đỗ kín vỉa hè cũng tại một bãi trông xe, lúc này thì không chỉ người khiếm thị mà người bình thường cũng không thể nào thực hiện nổi quy định “Vỉa hè dành cho người đi bộ” được nữa. Với một thực tế như vậy, việc cải tạo và thí điểm làm vỉa hè có đường dành riêng cho người khiếm thị trên phố Yết Kiêu trở thành một sự khôi hài vô cùng lãng phí.

Nhận xét về công trình này, có một ý kiến được nhắc nhiều trên các trang mạng: “Lý do để lập dự án thật thuyết phục, đầy tính nhân văn. Kết quả thế nào thì quá rõ rồi, người khiếm thị đâu có được lợi lộc gì, Nhà nước thì mất tiền, chắc chỉ có người thực hiện dự án là hưởng lợi”. Sự đúng, sai của ý kiến này cần có câu trả lời. Tuy nhiên, câu hỏi “Tại sao một mục đích cao cả lại bị xúc phạm?” thì khó có câu trả lời.