Hiện nay, toàn xã hội đang nỗ lực nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt là với thiếu niên, nhi đồng. Liệu số sách xuất bản hàng năm có đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi không, thưa ông? - Những năm gần đây, chúng ta xuất bản khoảng 300 triệu bản sách/năm. Trong đó, sách cho thiếu nhi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, sách văn học chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Ví dụ, chỉ tiêu 4 bản sách/đầu người/năm đề ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhưng đến năm 2015 mới gần đạt con số này. Trong 4 bản sách đó, có một nửa là sách giáo khoa và sách tham khảo của ngành giáo dục, sách thiếu nhi và văn học tỷ lệ thấp. Do đó, mức độ hưởng thụ sách của người Việt nói chung và thiếu nhi nói riêng rất thấp. Mặt khác, phân bổ sách và các ấn phẩm in như báo, tạp chí lại không đồng đều. Có khoảng 75% báo chí, xuất bản phẩm tập trung ở thành thị; còn lại là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là chênh lệch cần phải điều chỉnh ở tầm quản lý Nhà nước. Mặt khác, tôi cho rằng, các chương trình như “Hội sách thiếu nhi 2016” cần được nhân rộng và tổ chức thường xuyên trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, các đơn vị chuyên xuất bản cho thiếu nhi như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục đang nỗ lực tìm những đầu sách phù hợp. Điều này góp phần tạo ra thị trường sách phong phú, đa dạng cho thiếu nhi. Ngoài ra, nhờ liên kết trong xuất bản, những đầu sách mang tính giáo dục, có thẩm mỹ tốt phù hợp lứa tuổi thiếu nhi cũng tăng lên đáng kể. Như ông nói, các NXB rất nỗ lực kiếm tìm sách hay phục vụ độc giả, nhưng có lẽ số tác giả viết cho thiếu nhi ít, nên việc này gặp nhiều khó khăn? - Đúng vậy, thực tế đáng buồn là những người viết sách cho thiếu nhi rất ít. Cho nên, các NXB phải sớm xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là các tác giả viết cho thiếu nhi. Và phải có chính sách đãi ngộ phù hợp cho người viết thì lĩnh vực xuất bản nói chung, sách thiếu nhi nói riêng mới đáp ứng nhu cầu độc giả. Ở nhiều quốc gia trên thế giới có quỹ hỗ trợ xuất bản sách, nên có đội ngũ tác giả xứng tầm, cho ra đời những “đứa con tinh thần khỏe mạnh" phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Sách đã thiếu là vậy, nhưng khâu biên tập cũng chưa được chú trọng, nên thường xuyên để lại "sạn" khiến chất lượng sách chưa như mong đợi? - Một năm có hàng trăm triệu bản sách được xuất bản, việc một vài bản mắc khiếm khuyết khó tránh khỏi. Nhưng quan điểm của tôi là sai sót đối với sách thiếu nhi cần phải hạn chế đến mức tối đa. Tất cả những sản phẩm xuất bản phải chú trọng không chỉ về chất lượng văn hóa, khoa học, mà phải hết sức coi trọng tính bền vững, thẩm mỹ, nhất là đối với ấn phẩm cho thiếu nhi. Tất cả những khuyết điểm trong thời gian qua đều do bỏ qua khâu nào đó trong quy trình xuất bản. Vậy thì ai bỏ qua khâu, quy trình nào phải bị xử lý thật nghiêm. Có nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra khiếm khuyết là do hoạt động liên kết xuất bản. Ông nghĩ sao về điều này? - Tôi nghĩ rằng, liên kết trong xuất bản là một chủ trương rất đúng. Liên kết, thực chất là việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho hoạt động xuất bản, nhờ vậy mới có thể tạo ra thị trường xuất bản phong phú, đa dạng như hiện nay. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Một con dao sắc, dùng rất tốt, nhưng khi đứt tay thì cứa rất sâu. Điều đó nhắc nhở khâu cuối cùng ở NXB là Tổng Biên tập, Giám đốc Đài Truyền hình, Giám đốc NXB, Ban Biên tập phải chịu trách nhiệm khi duyệt xuất bản ấn phẩm. Muốn hạn chế tối đa sai sót phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xuất bản, phát hành sách, báo, tạp chí. Xin cảm ơn ông!