Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mực nước hồ Hoà Bình xuống thấp kỷ lục, cấp nước sạch sông Đà có khả năng bị ảnh hưởng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chưa khi nào trong 30 năm qua, kể từ khi đi vào vận hành khai thác, hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình có mực nước thấp như hiện nay” – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Xuân Hải đã cho biết như trên tại cuộc họp bàn giải pháp lấy nước cho vụ Xuân 2020 diễn ra ngày 28/12.

 Mực nước hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình đang xuống thấp kỷ lục 
Do lượng mưa ít nên việc tích nước các hồ chứa đạt thấp. Đến nay, hầu hết các hồ chứa thuỷ điện tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạt 58% dung tích thiết kế. Riêng hồ Hoà Bình, dung tích hiện chỉ còn khoagnr 56% so với thiết kế. Đây cũng là trữ lượng tích nước thấp nhất của hồ Hoà Bình trong suốt 30 năm đi vào vận hành, khai thác.
Theo tính toán của EVN, nếu xả 3 đợt nước cho gieo cấy vụ Xuân 2020 theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT thì sau khi kết thúc đổ ải, mực nước hồ Bình sẽ giảm từ 101,60m về 83,17m; cách mực nước chết 3,17m. Dung tích của hồ Hoà Bình sẽ còn lại khoảng 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích.
Theo ông Ngô Xuân Hải, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm mùa khô (tháng 5 – 6/2020) và chống quá tải trong một số trường hợp, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình cần phải có công suất tối thiểu từ 1.700 – 1.900MW; tương ứng với mức nước giữ trong hồ là 91,5 – 101m.
Mực nước hồ Hoà Bình xuống thấp còn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Theo ước tính của EVN, để bảo đảm việc này, sản lượng phải huy động từ nhá máy thuỷ điện Hoà Bình dao động từ 11 – 13 triệu kWh/ngày, tương đương 55 – 65 triệu m3/ngày.
Trước diễn biến trên, EVN đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà khẩn trương thực hiện các giải pháp để đảm bảo vận hành của nàh máy nước sạch sông Đà, hướng tới việc không phụ thuộc vào vận hành của hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như hiện nay.