Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mực nước sông Bùi tại Hà Nội đang xuống chậm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, mực nước trên sông Bùi tại Hà Nội đang xuống chậm.

Mực nước lúc 5h ngày 1/8 tại Lâm Sơn: 21,17m (trên báo động (BĐ) 1: 0,17m); tại Tốt Động: 7,29m (trên BĐ3: 0,29m).
Dự báo: Trong ngày 1/8 khu vực Hòa Bình tiếp tục còn có mưa; 6h tới, mực nước tại Lâm Sơn: 21,10m (trên BĐ1: 0,1m); tại Tốt Động: 7,25m (trên BĐ3: 0,25m); từ 6 - 12h tới, tại Lâm Sơn: 20,85m (dưới BĐ1: 0,15m); tại Tốt Động: 7,20m (trên BĐ3: 0,20m); từ 12 - 24h tới, tại Tốt Động: 7,15m (trên BĐ3: 0,15m)
 Huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 500 người tham gia hộ đê tả Bùi.
Ngập úng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng, thấp thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội), đặc biệt tại xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến. Tình trạng ngập úng còn tiếp diễn trong những ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai ngập lụt: Cấp 2 - 3.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, hiện tại huyện Chương Mỹ vẫn còn 3.683 nhà bị ngập, trong đó, 2.848 nhà ngập 0,5 - 2m, 835 nhà bị ngập lối đi. Trong khi đó tại tỉnh Hòa Bình, từ ngày 30 - 31/7 tại tổ 26 phường Đông Tiến, thành phố Hòa Bình đã xảy ra sạt lở bờ sông Đà, gây thiệt hại: 9 nhà bị sập hoàn toàn, 10 nhà bị sập một phần, 9 nhà bị rạn nứt. Đường tỉnh lộ 445 bị sạt ta luy dương 600m3đất đá, lún nứt mặt đường dài 100m, sâu khoảng 40cm, rộng nhất 20cm.
Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội và Hòa Bình tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trên lưu vực hệ thống sông Bùi, sông Hoàng Long và tình hình sạt lở, lún sụt đất tại Hòa Bình để Thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các công trình đê điều trọng điểm xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công hoặc công trình đang xử lý, khắc phục sự cố; kiểm tra vận hành các cống, trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước, nhất là khu vực thấp, trũng, khu dân cư tập trung thường xuyên bị ngập úng;
Rà soát việc chuẩn bị theo “phương châm 4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ, ngập úng; phòng chống lũ theo cấp báo động. Đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.