Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu 100% hộ dân nông thôn được tiếp cận nước sạch: Gian nan con đường cán đích

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến nhiều dự án nước sạch nông thôn chậm triển khai là do khó khăn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc do chậm bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho DN tiếp quản.

Bài 1: Nhiều dự án chậm trễ

Bài 2: Dự án chậm, không chỉ do khách quan

Song, ngoài các yếu tố khách quan, còn một nguyên nhân quan trọng là nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực, dẫn đến dự án chậm trễ và nước cung cấp ra cũng không đảm bảo chất lượng, nên chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Rào cản từ mặt bằng

Tại Đan Phượng, chủ đầu tư (CĐT) của cả 3 dự án cấp nước trên địa bàn (thị trấn Phùng, xã Tân Hội, xã Tân Lập) đều phản ánh, nguồn nước khai thác là nước ngầm, có chất và lượng đang ngày càng giảm, công nghệ xử lý chậm đổi mới. Vì vậy, trong khi chưa hoàn thành hệ thống cấp nước tập trung toàn TP, HĐND TP cần có cơ chế hỗ trợ DN khai thác, cung cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm để duy trì, nâng chất lượng nước. Đặc biệt, UBND TP cần chỉ đạo CĐT dự án nhà máy (NM) nước mặt sông Hồng đảm bảo tiến độ và các sở, đơn vị cấp nước sớm có phương án đấu nối nguồn nước từ NM này thay thế nguồn nước ngầm, giúp các trạm trên địa bàn huyện chủ động nguồn nước.
Ban Đô thị HĐND TP giám sát hoạt động của Trạm cấp nước thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Linh Chi

Tuy nhiên, chia sẻ về tình trạng chậm trễ của dự án NM nước mặt sông Hồng trên địa bàn huyện, đại diện Công ty CP Nước mặt sông Hồng cho hay, đã bỏ hàng trăm triệu đồng để GPMB, song đang gặp rất nhiều rào cản khách quan, như kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của tuyến ống truyền dẫn nước sạch chưa được TP phê duyệt, chưa có hướng dẫn cụ thể về đơn giá bồi thường… Do đó, rất mong TP sớm có hướng dẫn về đơn giá bồi thường GPMB và cho phép DN điều chỉnh cục bộ 5km tuyến từ đường quy hoạch chuyển sang đường hiện trạng để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến ống, sớm cấp nước sạch cho Đan Phượng và Bắc Từ Liêm (TP hoàn thành các tuyến đường theo quy hoạch, DN sẽ lại di chuyển các tuyến ống này về đúng vị trí).

Tương tự tại Chương Mỹ, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh cho hay, dự án cấp nước cho huyện sử dụng nguồn nước sông Đà do DN làm CĐT đang chậm vì nhiều nguyên nhân, nhất là về mặt bằng. Các xã nằm trong vùng dự án được cấp nước qua nút giao Hòa Lạc, tự chảy về trạm tăng áp X1-X2, sau đó bơm cấp II vào mạng phân phối, dịch vụ; song đến nay trạm X1-X2 chưa xong GPMB. Vì vậy, DN rất mong UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy nhanh GPMB 2 trạm tăng áp này, bởi có nguồn nước tự chảy từ Hòa Lạc về Xuân Mai mà không có mặt bằng xây bể chứa và trạm bơm cấp II thì vẫn không thể cấp nước cho vùng dự án.

Chủ đầu tư yếu kém, thiếu trách nhiệm

Dù mạng lưới cấp nước sạch đã phủ kín 70% số hộ dân toàn huyện, song Gia Lâm vẫn còn 4 xã “trắng” nước sạch và 4 xã có rất ít hộ được dùng nước sạch. Trong khi cả 3 dự án cấp nước tại xã Ninh Hiệp, Phù Đổng, Kim Lan đều đang rất chậm trễ. Đáng kể, dự án cấp nước sạch Ninh Hiệp do Công ty CP SX&TM Ngọc Hải làm CĐT, theo kế hoạch tháng 12/2016 hoàn thành xây dựng nhưng đến nay mới khôi phục xong trạm cấp nước và triển khai 80% khối lượng lắp đặt đường ống, cấp cho 32% hộ trong xã. Dự án cấp nước xã Kim Lan cũng do DN này làm CĐT, theo tiến độ hoàn thành tháng 12/2017 nhưng đến nay chỉ 31% hộ trong xã được cấp nước. “Công ty Ngọc Hải triển khai từ cuối năm 2017 đến nay lại tạm dừng thi công, được DN lý giải do chủ trương của TP và khó khăn trong việc vay vốn, nhưng thực tế tiến độ rất chậm và năng lực thi công thể hiện rõ hạn chế, người dân xã kêu rất nhiều” -lãnh đạo xã Kim Lan nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm khẳng định, từ năm 2017 đã thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết thủ tục, thường xuyên làm việc với CĐT thúc tiến độ dự án… Dù vậy, các dự án vẫn triển khai rất chậm, nên để đảm bảo cấp nước cho dân, huyện đã 2 lần gửi văn bản chính thức tới TP, Sở Xây dựng đề nghị xem xét thay thế tìm nhà đầu tư khác đủ năng lực, cụ thể là thay Công ty Ngọc Hải. Theo Ban Đô thị HĐND TP, tiến độ các dự án nước sạch tại Ninh Hiệp, Kim Lan chậm chủ yếu do năng lực tài chính của CĐT chưa đảm bảo nên chưa lắp đặt được nhiều đường ống. TP luôn tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, song DN không tiếp cận được là do không đáp ứng đủ điều kiện cho vay.

Không chỉ tại Gia Lâm, tình trạng CĐT hạn chế năng lực, thiếu trách nhiệm cũng diễn ra tại nhiều huyện khác. Như tại Chương Mỹ, hầu hết trạm cấp nước hoạt động không hiệu quả, các dự án mới phủ kín được 19/32 xã, thị trấn; quan trọng nhất là dự án của Công ty Xuân Mai theo tiến độ hoàn thành năm 2017 thì đến nay chưa triển khai hạng mục nào. Theo nhiều ý kiến, trước hết do CĐT thiếu chủ động phối hợp với địa phương, sở, ngành; cũng do các sở quản lý dự án đầu tư của TP thiếu đôn đốc, gỡ khó cho dự án. Còn tại Phú Xuyên, thử nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng huyện cho thấy chất lượng nước cả 3 trạm cấp nước tập trung do Công ty Nước sạch Hà Đông khai thác, vận hành đều chưa đạt chuẩn. “DN chưa tích cực bổ sung công nghệ xử lý nguồn nước, công khai kiểm nghiệm mẫu nước - nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ người dân dùng nước còn thấp, do họ chưa thực sự tin tưởng (mới hơn 2 vạn người dân huyện dùng nước từ các trạm này). Ngoài ra, mạng lưới ống trong phạm vi DN phụ trách vẫn còn 400 hộ chưa được kết nối. Những điều này cho thấy CĐT chưa thực sự nêu cao trách nhiệm” - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh.

"Không thể tiếp tục tình trạng DN cứ cấp nước, còn dùng hay không thì là việc của người dân! DN cần có trách nhiệm với dự án đã cam kết, nâng chất lượng nước cung cấp. Phía địa phương cần coi chỉ tiêu dùng nước sạch là một chỉ tiêu chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền; hàng tháng giao ban lắng nghe các CĐT để đề xuất chính sách hỗ trợ DN." - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Vũ Ngọc Anh