Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu “hạ hỏa” cho trái đất vẫn còn xa

Lê Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số nhà hoạt động gọi thỏa thuận ở Glasgow là đáng thất vọng, nhưng nó đã thiết lập một sự đồng thuận rõ ràng rằng tất cả các nước cần phải làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều điều cho đến nay vẫn là dấu hỏi.

Các đại biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh. Ảnh: AFP
Cần, nhưng chưa đủ
Hôm 13/11, đại diện gần 200 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận lớn nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu bằng cách kêu gọi các chính phủ quay trở lại vào năm tới với các kế hoạch mạnh mẽ hơn để hạn chế lượng khí thải và kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ "ít nhất là gấp đôi" để bảo vệ các quốc gia nghèo khỏi những hiểm họa của một hành tinh nóng hơn.

Bước vào COP26, các nhà lãnh đạo thế giới cho biết mục tiêu cuối cùng của họ là ngăn trái đất nóng hơn 1,50C so với mức tiền công nghiệp. Vượt qua ngưỡng đó, các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng chết người, các cơn bão hủy diệt, khan hiếm nước và sụp đổ hệ sinh thái ngày càng lớn. Thế giới hiện đã nóng thêm lên 1,10C. Theo các nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu có tên Climate Action Tracker, các kế hoạch cụ thể mà các chính phủ đã đưa ra để hạn chế phát thải nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng từ nay đến năm 2030 sẽ khiến thế giới tăng tốc độ ấm lên khoảng 2,40C trong thế kỷ này.

Thỏa thuận mới ở Glasgow yêu cầu các quốc gia trở lại vào cuối năm sau với cam kết mạnh mẽ hơn để cắt giảm khí thải vào năm 2030. Mặc dù thỏa thuận nêu rõ rằng, tất cả các quốc gia sẽ cần phải cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide của họ gần một nửa vào thập kỷ này để giữ cho sự nóng thêm lên dưới 1,50C, song câu hỏi chưa được giải đáp rõ ràng là gánh nặng của những cắt giảm đó sẽ được chia sẻ như thế nào giữa các quốc gia.

Vấn đề là... tiền đâu?

Một số quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng, chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia, cho biết họ sẽ sẵn sàng đẩy nhanh việc chuyển đổi khỏi điện than nếu nhận được sự giúp đỡ tài chính từ các nước giàu hơn. Nhưng cho đến nay, sự giúp đỡ đó vẫn còn chậm chạp.

Một thập kỷ trước, các nền kinh tế giàu có nhất thế giới đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ về tài chính cho các nước nghèo hơn vào năm 2020. Nhưng họ vẫn đang thiếu hụt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, chỉ một phần nhỏ trong số viện trợ cho đến nay là dành cho các biện pháp giúp các nước nghèo hơn đối phó với các hiểm họa của một hành tinh nóng lên, chẳng hạn như các bức tường chắn biển hoặc hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán. Theo một nghiên cứu gần đây, một số quốc gia châu Phi đang chi tới 9% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho việc thích ứng, trong khi vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu của họ.

Thỏa thuận mới cố gắng lấp đầy một số khoảng trống đó. Nó kêu gọi các nước giàu tài trợ “ít nhất gấp đôi” 100 tỷ USD để thích ứng vào năm 2025. Nó cũng thiết lập một quá trình để tìm ra một mục tiêu chung cho tài chính dài hạn, mặc dù quá trình đó có thể mất nhiều năm, và các nước đang phát triển nói rằng họ có thể cần hàng nghìn tỷ đô la trong thập kỷ này.

Các quốc gia dễ bị tổn thương như Bangladesh cũng đã kêu gọi một nguồn tài trợ mới để giúp họ phục hồi sau thảm họa khí hậu mà họ không thể thích ứng, được gọi là “mất mát và thiệt hại”. Nguồn tài trợ này do các quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu, những nước chịu trách nhiệm về lịch sử đối với hầu hết các phát thải khí nhà kính hiện đang làm nóng bầu khí quyển, chi trả. Nhưng các quốc gia giàu có đã chặn đề xuất thành lập một quỹ mới cho mục đích này, thay vào đó chỉ đồng ý bắt đầu “đối thoại” về vấn đề này trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Đáng nói nhất là hầu hết các nền kinh tế lớn hiện nay đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào một thời gian nhất định, về cơ bản là một lời hứa ngừng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Mỹ và Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ làm như vậy vào năm 2050, Trung Quốc vào năm 2060. Tại Glasgow, Ấn Độ cũng đã nói rằng họ sẽ đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Nếu những lời hứa bổ sung này được thực hiện, người ta ước tính rằng thế giới có thể hình dung giới hạn sự nóng lên toàn cầu xuống 1,80C vào năm 2100, mặc dù cho đến nay, hầu hết các quốc gia vẫn chưa đưa ra các chính sách để đạt được điều đó.