Do khan hiếm nên giá khí đốt tăng cao và nhanh ở châu Âu. Nga vẫn thực hiện đầy đủ mọi thỏa thuận cung ứng khí đốt đã ký kết với các nước thành viên EU. Tuy nhiên, ngoài khối lượng khí đốt đã được thỏa thuận từ trước, các nước thành viên EU giờ phải mua khí đốt của Nga trên thị trường tự do với giá cao hơn và biến động theo tương quan cung cầu hàng ngày.
Trong bối cảnh tình hình như thế, cung ứng khí đốt hóa lỏng từ Mỹ cho các nước thành viên EU chẳng khác gì bắn một mũi tên mà nhằm đồng thời tới được nhiều đích. Bán nhiều khí đốt của Mỹ, đặc biệt ở dạng hóa lỏng, là một trong những mục tiêu được Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn cầm quyền coi là một trong những biểu tượng cho chủ trương "Nước Mỹ trước hết" mà hiện tại, người kế nhiệm ông Trump là ông Joe Biden có lợi ích thiết thực với việc tiếp tục thực hiện chứ không có lý do xác thực nào để thay đổi hay lật ngược.
Mỹ theo đuổi đã từ lâu mục tiêu chinh phục thị trường khí đốt ở châu Âu. Cung ứng khí đốt hóa lỏng cho các nước thành viên EU vào lúc này, tức là vào thời điểm họ rất cần, còn giúp phía Mỹ vừa tranh thủ được các đồng minh và đối tác chiến lược ở châu Âu, vừa giảm bớt mức độ lệ thuộc của họ vào cung ứng khí đốt từ Nga. Hơn nữa lại còn có thể vừa thu hẹp thị trường tiêu thụ của Nga về khí đốt ở châu Âu, kiềm chế khả năng Nga chính trị hóa chuyện cung ứng khí đốt cho các nước thành viên EU.Việc này còn tác động trực tiếp tới số phận của tuyến đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga trực tiếp sang Tây Âu vốn đang là một chuyện đặc biệt nổi cộm, nhạy cảm và nan giải giữa Nga với EU và Mỹ cũng như giữa Mỹ với EU. Mục tiêu của Mỹ là làm cho phía EU tự nhận thấy rằng không cần thiết và nhất thiết phải đưa Nord Stream 2 đi vào hoạt động.